Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2015
(Tài chính) GDP Quý I năm 2015 ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, nhờ sự đóng góp lớn của lĩnh vực như: công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,35%; dịch vụ tăng 5,82%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước.Các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng ấn tượng là chỉ báo cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.
I. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
1.Tình hình kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP Quý I năm 2015 ước đạt 6,03%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây (Mức tăng cùng kỳ của năm 2014 là 5,06%, năm 2013 là 4,76%), trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,35%; lĩnh vực dịch vụ tăng 5,82%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 9,1%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%. Khách quốc tế đến Việt Nam quý I ước đạt trên 2 triệu lượt người.
2. Tình hình lạm phát, tín dụng, đầu tư: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 0,93% so với cùng kỳ. Tính chung chỉ số giá 3 tháng đầu năm giảm 0,1% so với tháng 12/2014; bình quân chung quý I/2015 tăng 0,74%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,25% (cùng kỳ năm trước giảm 0,57%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 30,4% GDP (cùng kỳ đạt 28,4%), tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7%; vốn ODA giải ngân tăng 10,7%.
3. Tình hình xuất nhập khẩu:
a, Hoạt động xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu quý I/2015 ước đạt gần 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô 1,06 tỷ USD) ước đạt 25,08 tỷ USD, tăng 12,9%; xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 5,1%.
b, Hoạt động nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu quý I/2015 của cả nước đạt gần 37,5% tỷ USD, trong đó: nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 61,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 5,7%
c, Cán cân thương mại hàng hóa: Quý I/2015, cả nước nhập siêu trên 1,8 tỷ USD, bằng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 920 triệu USD (nếu kể cả dầu thô xuất siêu gần 2 tỷ USD); khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 3,8 tỷ USD.
4. Tình hình đầu tư phát triển:
- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: thực hiện Quý I/ 2015 ước đạt 246 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực Nhà nước 88,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ; khu vực ngoài nước 89,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 67,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: tính đến ngày 20/3/2015 cả nước có 267 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.216,7 triệu USD, gấp gần 2,2 lần về số lượng dự án, nhưng giảm 40,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất là 102 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 612,12 triệu USD, tăng gần 2,5 lần về số lượng dự án, nhưng giảm 51,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả vốn đầu tư cấp giấy chứng nhận mới và tăng thêm trong quý I năm 2015 đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014.
II. Cùng với tình hình kinh tế chung nêu trên, tình hình thực hiện dự toán NSNN tháng 3 và Quý I/2015 cúng đạt kết quả như sau:
1. Tình hình thu ngân sách nhà nước:
Thực hiện tháng 3 ước đạt 70,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014, trong đó:
a) Thu nội địa: thực hiện tháng 3 ước đạt 52,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 173,19 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% dự toán, tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất tăng 18%); đạt khá cả tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so cùng kỳ (Quý I/2012 đạt 22,7% dự toán; quý I/2013 đạt 20,9% dự toán; quý I/2014 đạt 24,8% dự toán).
Kết quả thu nội địa quý I đạt khá nhờ các yếu tố sau: (1) Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước duy trì được đà phục hồi tốt nhờ có những cải thiện đáng kể cả về tổng cầu và tổng cung; (2) Cải cách hành chính, nhất là cải cách về thủ tục hành chính thuế thực hiện từ năm 2014 đã giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với cơ quan Thuế, chủ động kê khai nộp thuế khi đến hạn, góp phần từng bước đưa số thu phát sinh sát hơn với thực tế hoạt động của nền kinh tế; (3) cơ quan Thuế đã triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN ngay từ đầu năm, như: tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tập trung đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế.
Ước tính có 48 địa phương thu đạt trên mức bình quân chung (25% dự toán); tuy nhiên cũng còn một số địa phương thu đạt thấp. So cùng kỳ năm 2014, có 54 địa phương thu cao hơn, 9 địa phương thu thấp hơn.
b) Thu về dầu thô: thực hiện tháng 3 ước đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 16,63 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán, giảm 35,9% so cùng kỳ năm 2014. Giá dầu thanh toán bình quân quý I đạt khoảng 58 USD/thùng, giảm 42 USD/thùng so giá tính dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 3,99 triệu tấn, bằng 27,1% kế hoạch cả năm.
c) Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 3 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% dự toán, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2014 (tổng thu ước đạt 58 nghìn tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 7% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng 21,5 nghìn tỷ đồng).
2. Tình hình chi NSNN: Tổng chi NSNN tháng 3 ước 87,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I ước đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 12,3% so cùng kỳ năm 2014, trong đó: (i) Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 3 ước 13,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I đạt 41 nghìn tỷ đồng, bằng 21% dự toán, tăng 14,5% cùng kỳ năm 2014; (ii) Chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 3 ước 11,16 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I đạt 37,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 27,5% so cùng kỳ năm 2014, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; (iii) Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: thực hiện tháng 3 ước 62,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế quý I đạt 185 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2014.
Trong quý I các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi... Ngoài ra, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp trên 49,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2015.
3. Tình hình cân đối NSNN: Bội chi NSNN tháng 3 ước 17,4 nghìn tỷ đồng, luỹ kế quý I ước 37,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm.
4. Tình hình huy động vốn cho NSNN:
Trong tháng 3/2015, đã huy động được 15.818,2 tỷ đồng (trong đó kỳ hạn 5 năm là 6.369,2 tỷ đồng, bằng 40,7%, kỳ hạn 10 năm là 3.200 tỷ đồng, bằng 20,4%, kỳ hạn 15 năm là 6.049 tỷ đồng, bằng 38,9%), bằng 68% so với tháng 2/2015 và bằng 41,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân: Từ giữa tháng 3/2015, thị trường ngoại hối biến động mạnh, tỷ giá USD tại các NHTM cũng như trên thị trường tự do liên tục tăng lên mức khá cao; khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch khá cao (từ 5 triệu-5,5 triệu đồng/lượng) làm giá USD tăng cao tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường trong những phiên gần đây. Mặt khác, việc tăng tần suất đấu thầu trái phiếu lên 02 phiên/tuần cũng làm các nhà đầu tư cho rằng NSNN đang chịu áp lực lớn về nhu cầu huy động vốn nên đẩy lãi suất đặt thầu lên cao.
Tính đến hết tháng 3/2015 đã huy động được 55.992,5 tỷ đồng, đạt 22,4% kế hoạch cả năm, bằng 62,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: kỳ hạn 5 năm 36.913,5 tỷ đồng, bằng 66,0%, kỳ hạn 10 năm 6.030 tỷ đồng, bằng 10,7%, kỳ hạn 15 năm 13.049 tỷ đồng, bằng 23,3%.