Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2014


(Tài chính) Trong tháng 7/2014, ngành Tài chính đã thực hiện được một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác thu chi ngân sách nhà nước và điều hành kinh tế - xã hội như sau:

1. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 7/2014

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng 6, trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, tăng 0,44% chủ yếu do tác động 2 lần tăng giá xăng dầu gần đây (giá xăng dầu các loại tăng 2 lần liên tiếp vào ngày 23/6/2014 và 7/7/2014; trong khi đó, do quy định về ngày tính giá của cơ quan thống kê, việc điều chỉnh giảm giá dầu ngày 18/7/2014 và giảm giá xăng dầu ngày 28/7/2014 chưa tính vào CPI tháng 7/2014). So với tháng 12/2013, CPI tháng 7/2014 tăng 1,62%;  đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua (CPI tháng 7 so với tháng 12 năm trước của các năm 2002-2013 thường dao động trong khoảng 1,8-19,78%). So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2014 tăng 4,94%; bình quân 7 tháng tăng 4,8%.Trong tháng 7/2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước tăng trên 2% (tháng 5 và tháng 6 giảm lần lượt là 6,9% và 1,7% so với tháng trước đó). Nhập khẩu cả nước tháng 7 ước đạt 12,65 tỷ USD, tăng gần 1,8% so với tháng trước.

Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm  (tính đến 20/7/2014) ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký ước đạt khoảng 9,54 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tình hình thực hiện dự toán ngân sách tháng 7/2014

2.1. Tình hình thực hiện dự toán thu NSNN

2.1.1. Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 75,5 nghìn tỷ đồng, trong đó:

- Thu nội địa: ước đạt 51 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,9 nghìn tỷ đồng (41,2%) so với tháng trước, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế TNDN và tạm nộp tiền cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh quý II/2014 theo chế độ và quy định của Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ.

- Thu từ dầu thô: ước đạt 8,7 nghìn tỷ đồng. Hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn duy trì ở mức cao, nhờ đó giá dầu thô thanh toán của Việt Nam trong tháng xoay quanh mức 112 USD/thùng, tăng 14 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán.

- Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở: tổng số thu đạt 20.500 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 5.000 tỷ đồng.

2.1.2. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 497,36 nghìn tỷ đồng, bằng 63,5% dự toán, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

 - Thu nội địa:  ước đạt 336,07 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán, tăng 16,8% so với  cùng kỳ năm 2013 (cùng kỳ năm 2012 đạt 51,2% dự toán, tăng 1,4%; cùng kỳ năm 2013 đạt 51,6% dự toán, tăng 8,2%) - không kể tiền sử dụng đất thì tăng 15,3%. Trong đó nhiều khoản thu quan trọng tiến độ đạt khá so với dự toán và cùng kỳ năm trước, như: thu từ kinh tế quốc doanh đạt 59,4% dự toán, tăng 26,9% so với cùng kỳ, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 63,1% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

- Thu về dầu thô: ước đạt 63,48 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán, bằng 97,8% so với cùng kỳ năm 2013 (cùng kỳ năm 2013 đã phát sinh 5.454 tỷ đồng quản lý thu qua NSNN khoản tiền dầu lãi được chia cho nước chủ nhà giai đoạn 2006-2011 theo Nghị quyết số 548/NQ-UBTVQH13 ngày 18/12/2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; không kể số thu này, thu dầu thô 7 tháng đầu năm 2014 tăng 6,8% so với cùng kỳ). Giá dầu thanh toán bình quân từ đầu năm đến nay đạt khoảng 112,7 USD/thùng, tăng 14,7 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 8,86 triệu tấn, bằng 61,9% kế hoạch năm.

- Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt khá, trong đó một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ (kim ngạch dầu thô xuất khẩu tăng 8,3%; nhập khẩu xăng dầu tăng 15,1%, ô tô nguyên chiếc tăng 78,5%, linh kiện phụ tùng ô tô tăng 20,2%...).

2.2. Về chi ngân sách nhà nước

Tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 92,72 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 7 tháng đầu năm ước 585,89 nghìn tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó:

- Chi đầu tư phát triển: tháng 7 ước đạt 19,03 nghìn tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt 97,63 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9% dự toán, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, NSNN đã thực hiện cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước đạt 52,7% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 52% dự toán... Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB; tổng số vốn thanh toán và tạm ứng theo chế độ ước 95 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán (cùng kỳ năm 2013 đạt 52,5% dự toán). Vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 59,8 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2013 đạt 52,5% kế hoạch).

- Chi trả nợ và viện trợ: tháng 7 ước đạt 11,62 nghìn tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt 72,51 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.

- Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,  quản lý hành chính: tháng 7 ước đạt 62,07 nghìn tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt 415,75 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013.

 2.3. Về cân đối ngân sách  

- Bội chi NSNN tháng 7 ước 17,17 nghìn tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đầu năm 88,53 nghìn tỷ bằng 39,5% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

- Trong tháng 7/2014, Kho bạc Nhà nước tổ chức 02 phiên đấu thầu tín phiếu kho bạc và 04 phiên đấu thầu TPCP, kết quả trúng thầu đạt 25.950 tỷ đồng ( Tín phiếu: 3.000 tỷ đồng; trái phiếu CP: 22.950 tỷ đồng). Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 29/7/2014, KBNN đã huy động được 176.683,3 tỷ đồng (tín phiếu: 24.402 tỷ đồng, trái phiếu CP: 147.281,3 tỷ đồng, BHXH: 5.000 tỷ đồng), đạt 76,1% kế hoạch Bộ giao (232.000 tỷ đồng), bằng 84,1% kế hoạch thông báo ra thị trường (210.000 tỷ đồng).