Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016
Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng Năm đạt 14372 triệu USD, thấp hơn 228 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện thấp hơn 165 triệu USD; gạo thấp hơn 84 triệu USD; cao su thấp hơn 43 triệu USD; sắn và sản phẩm của sắn thấp hơn 36 triệu USD; rau quả thấp hơn 35 triệu USD; giày dép cao hơn 98 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 44 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,80 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,29 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,51 tỷ USD, tăng 3,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với tháng trước: Gạo tăng 30,7%; dệt may tăng 17,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu năm nay tăng 4,4%, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,5%; khu vực kinh tế trong nước tăng 1,9%. Kim ngạch một số mặt hàng tăng khá: Máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác tăng 14,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,2%; giày dép tăng 11,7%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 3,85%), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 85,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015[9].
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 16,7%; dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,7%; dầu thô đạt 1,1 tỷ USD, giảm 46,6% (lượng giảm 23%); sắt thép đạt 832 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 530 triệu USD, giảm 12,3%.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 37,4 tỷ USD, tăng 6,3% và chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% và chiếm 40,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8% và chiếm 10,1% (tăng 0,2 điểm phần trăm). Hàng thủy sản ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 3,7% (giảm 0,1 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỷ USD, tăng 9,8%; Trung Quốc đạt 9,2 tỷ USD, tăng 14,3%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 39%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 1,3%.
Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 5/2016 đạt 14549 triệu USD, thấp hơn 451 triệu USD so với số ước tính, trong đó: Điện tử máy tính và linh kiện thấp hơn 125 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 96 triệu USD; vải thấp hơn 75 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 66 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ thấp hơn 40 triệu USD; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác cao hơn 175 triệu USD; xăng dầu cao hơn 42 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,90 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,40 tỷ USD, tăng 1,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,50 tỷ USD, tăng 2,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng Sáu tăng 4,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,8%; sản phẩm chất dẻo tăng 21,1%; sắt thép tăng 11,7%; vải tăng 9,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước[10], trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,3 tỷ USD, giảm 1,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu bình quân giảm 7,8%), kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 87,5 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13,1 tỷ USD, giảm 5,9%; xăng dầu đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,5% (lượng tăng 28,1%); điện thoại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, giảm 7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 878 triệu USD, giảm 19,4%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,5 tỷ USD, tăng 12,1%; vải đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,5%; sắt thép đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,8%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,6 tỷ USD, tăng 2,3%; kim loại thường khác đạt 2,2 tỷ USD, tăng 24,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 73,7 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,1 điểm phần trăm), trong đó nhóm máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng đạt 33,1 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 41%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 40,6 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 50,3%. Nhóm hàng tiêu dùng 6 tháng ước tính đạt 7,1 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,7% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,1 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, 6 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 23,3 tỷ USD, giảm 2,9%[12]. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 7,9%; ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, giảm 3,4%; Nhật Bản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 6,3%; EU đạt 4,6 tỷ USD, giảm 6,5%; Hoa Kỳ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Năm nhập siêu 177 triệu USD[13]; tháng Sáu ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.
Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 6,0 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng kim ngạch và tăng 14,3%. Nhập khẩu dịch vụ 6 tháng ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 51,5% tổng kim ngạch và giảm 0,2%. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm là 2,2 tỷ USD.
Nếu loại trừ 4,4 tỷ USD chi phí vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu đã được tính vào nhập khẩu dịch vụ thì cân đối thương mại hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 xuất siêu khoảng 3,7 tỷ USD, trong đó hàng hóa xuất siêu 5,9 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 2,2 tỷ USD.