Tổ chức bảo hiểm tiền gửi và vai trò trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng
Bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống là nguyên tắc xuyên suốt của quy trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) được thể hiện trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực thi hành từ 15/1/2018).
Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Các TCTD quy định 5 phương án để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc và Phương án phá sản. Trong các phương án trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ phải tham gia vào những nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt được vay khoản vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức BHTG, Ngân hàng hợp tác xã và các TCTD khác trong các trường hợp: Để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; Để hỗ trợ phục hồi hoặc xử lý pháp nhân theo phương án phục hồi, phương án phá sản, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Khi đến hạn trả nợ, khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của TCTD, trừ trường hợp trong thời gian phương án cơ cấu lại TCTD chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm cả trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi nhưng phương án xử lý pháp nhân hoặc phương án chuyển giao bắt buộc TCTD chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt: Ban kiểm soát đặc biệt chỉ đạo TCTD được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phục hồi TCTD. Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định chủ trương cơ cấu lại theo phương án phục hồi, TCTD được kiểm soát đặc biệt phải hoàn thành việc xây dựng và trình Ban kiểm soát đặc biệt phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phục hồi của TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá, báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tính khả thi của phương án phục hồi.
Đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đánh giá tính khả thi của phương án; đối với phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đánh giá tính khả thi của phương án.
Thứ ba, TCTD được kiểm soát đặc biệt là các ngân hàng thương mại được xem xét áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi trong thời hạn được kiểm soát đặc biệt; Công ty tài chính được vay đặc biệt của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.
TCTD được kiểm soát đặc biệt là Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau: Miễn nộp phí BHTG; Vay đặc biệt của tổ chức BHTG từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ với lãi suất ưu đãi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; Tổ chức BHTG được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.
Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật TCTD là bước tiến quan trọng về mặt pháp lý trong việc tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu các TCTD, đảm bảo cho hoạt động tài chính, ngân hàng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, những sửa đổi, bổ sung này cũng đặt ra cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trách nhiệm lớn hơn để có thể tham gia sâu hơn trong quá trình tái cơ cấu các TCTD và thực hiện sứ mệnh góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. Điều này đòi hỏi toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải sẵn sàng nguồn lực về con người, nâng cao hơn nữa hoạt động nghiệp vụ, năng lực tài chính, hệ thống công nghệ thông tin...để hoàn thành sứ mệnh của mình.