Tổ chức thực hiện cổ phần hóa tại công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam


Bài viết khái quát quá trình hình thành, phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), kế hoạch cổ phần hóa và các kết quả thực hiện. Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, bài viết đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khái quát quá trình hình thành, phát triển

Đặc điểm, cơ cu tổ chức, sản xut kinh doanh, tình hình tài chính

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tiền thân là Tổng công ty Than Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp (DN) ngành than thuộc Bộ Năng lượng (cũ), tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị quân đội sản xuất than tại Quảng Ninh.

Sau hơn 10 năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91, ngày 08/8/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên thành Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (thuộc Bộ Công nghiệp).

Tiếp đó, ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg chuyển Công ty mẹ của Tập đoàn TKV thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Ngành, nghề kinh doanh chính của TKV gồm:

- Ngành, nghề kinh doanh chính: Công nghiệp than; Công nghiệp khoáng sản - luyện kim; Công nghiệp Vật liệu nổ công nghiệp; Công nghiệp điện.

- Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: Công nghiệp cơ khí; Công nghiệp hóa chất và vật liệu xây dựng; Quản lý, khai thác cảng; vận tải, hoa tiêu, kho bãi; Xây dựng công trình mỏ, dân dụng, công nghiệp, giao thông; Thăm dò, khảo sát địa chất; tư vấn kỹ thuật, khoa học công nghệ và đầu tư; giám định hàng hóa; đào tạo, y tế; phòng ngừa, ứng cứu, xử lý, khắc phục sự cố mỏ; hoạt động bảo vệ và hoàn nguyên môi trường.

Vốn điều lệ hiện tại của TKV là 35.000 tỷ đồng

Tổ chức thực hiện cổ phần hóa tại công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam  - Ảnh 1

Mô hình quản lý của TKV

- Thực hiện Quyết định số 989/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành, Công ty mẹ - TKV được tổ chức và quản lý theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, chịu sự điều chỉnh của Luật DN; Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN; Nghị định số 105/2018/NĐ-CP ngày 8/8/2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Hình thức DN: Công ty mẹ - Tập đoàn là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước quyết định thành lập và sở hữu toàn bộ vốn điều lệ. TKV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, phù hợp với quy định của Luật DN và Điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ ban hành.

- Cơ cấu tổ chức quản lý gồm:

+ Nhà nước là chủ sở hữu của TKV. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với TKV;

+ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN thực hiện quyền, nghĩa vụ của Cơ quan đại diện chủ sở hữu tại TKV theo thẩm quyền;

+ Hội đồng Thành viên: Là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại TKV; được giao thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại TKV theo Điều lệ tổ chức hoạt động của TKV và pháp luật có liên quan; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại TKV đối với các công ty do TKV đầu tư toàn bộ vốn điều lệ và đối với phần vốn góp của TKV tại các DN khác. HĐTV có không quá 07 thành viên HĐTV, trong đó Chủ tịch HĐTV do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, Thành viên HĐTV do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm.

+ Kiểm soát viên nhà nước gồm: 03 thành viên (do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN quản lý).

+ Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng TKV: do HĐTV bổ nhiệm.

+ Các Ban chuyên môn tham mưu giúp việc.

+ Các công ty, đơn vị thành viên.

Hiệu quả hoạt động và tình hình tài chính của Công ty mẹ - TKV

Qua số liệu Bảng 1 cho thấy, trong suốt những năm qua, TKV có sự tăng trưởng ổn định và bảo toàn vốn nhà nước. Vốn chủ sở hữu TKV được Nhà nước giao khi thành lập Tổng công ty than năm 1995 là 3.500 tỷ đồng thì tính đến hết 31/12/2020 vốn chủ sở hữu của TKV đã đạt 36.456 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần kể từ khi nhà nước giao vốn.

Hệ số nợ phải trả/Vốn sở hữu chỉ dao động ở mức 1,2 - 1,4 lần luôn thấp hơn so với quy định Nhà nước (Tối đa 03 lần).

Hệ số khả năng thanh toán luôn đảm bảo bằng hoặc lớn hơn 01 lần. Các hệ số tài chính khác cơ bản phù hợp với thực tế sản xuất của TKV.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, TKV luôn luôn có lợi nhuận, luôn đảm bảo nộp đúng, đủ ngân sách nhà nước, đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế, đảm bảo thu nhập cho người lao động…

Kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt và quá trình tổ chức thực hiện

Theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg của TTCP phê duyệt Đề án Tài cơ cấu TKV, trong giai đoạn 2017-2020 TKV sẽ tiến hành CPH Công ty mẹ - TKV, Công ty TNHH 1TV Hoa tiêu hàng hải, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Nhôm Đắk Nông.

Kết quả thực hiện:

(i) TKV đã hoàn thành việc CPH Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải, đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần kể từ ngày 1/10/2021.

(ii) Công ty TNHH nhôm Lâm Đồng, Viện Cơ khí năng lượng và Công ty Nhôm Đắk Nông: Các đơn vị này TKV đang đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh sang hình thức CPH cùng Công ty mẹ TKV tại báo cáo điều chỉnh Đề án tái cơ cấu TKV.

(iii) Đối với Công ty mẹ - TKV:

Ngay từ khi Đề án tái cơ cấu TKV chưa được phê duyệt, TKV đã chủ động thành lập Tổ công tác và nhóm giúp việc cho Tổ công tác để triển khai các công việc liên quan đến chuẩn bị công tác CPH Công ty mẹ TKV (Quyết định số 1840/QĐ-TKV ngày 16/10/2017).

Đến nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã thành lập Ban chỉ đạo CPH và Tổ giúp việc để triển khai việc CPH Công ty mẹ TKV, tuy nhiên chưa ban hành được Quyết định CPH. Nguyên nhân do chưa thực hiện xong công tác sắp xếp cơ sở nhà, đất để lập phương án sử dụng đất trước khi CPH.

Tổ chức thực hiện cổ phần hóa tại công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam  - Ảnh 2

Trong quá trình thực hiện CPH, TKV gặp một số tồn tại, vướng mắc gồm:

Một là, về tính giá trị của yếu tố lịch sử văn hóa của DN.

Theo quy định hiện hành thì phải xác định giá trị thương hiệu, trong đó bao gồm yếu tố lịch sử văn hóa của DN khi xác định giá trị DN. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, các DNNN còn nhiều lúng túng, khó khăn do yếu tố lịch sử văn hóa khó định lượng cụ thể và mang nhiều yếu tố định tính. Mặc dù Nghị định số 140/2020/NĐ-CP đã sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về CPH DNNN nhưng về cơ bản vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vướng mắc này, nên đã gây khó khăn và rủi ro khi DN thực hiện.

Hai là, về việc sắp xếp xử lý nhà, đất để CPH.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 để sửa đổi, bổ sung các điều khoản về xử lý, sắp xếp nhà đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017. Tuy nhiên, đối với các DN có quy mô lớn, có địa bàn hoạt động tại rất nhiều tỉnh thành, có nhiều cơ sở nhà đất và đặc thù thì thời gian được phê duyệt Phương án sắp xếp nhà đất rất lâu do còn liên quan đến thủ tục xác nhận với địa phương, Bộ ngành.

Việc sắp xếp xử lý nhà đất của TKV bao gồm 33 đơn vị, trong đó: 25 đơn vị là chi nhánh Công ty mẹ TKV; 04 đơn vị sự nghiệp hạch toán độc lập và 04 Công ty TNHH MTV. Các đơn vị trên quản lý các cơ sở nhà, đất tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tình hình thực hiện đến nay:

+ Việc sắp xếp xử lý nhà đất đã thực hiện (kiểm tra và lập biên bản hiện trạng) được là 459 cơ sở (441 biên bản) trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố.

+ Tổng số cơ sở nhà đất của TKV còn phải kiểm tra hiện trạng theo quy định của Nghị định 167/2017/ NĐ-CP ngày 31/12/2017 là 123 cơ sở.

Theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về CPH thì DN phải hoàn thành việc sắp xếp cơ sở nhà đất mới đến bước lập Phương án sử dụng đất để CPH và sau khi Phương án sử dụng đất để CPH được phê duyệt thì chủ sở hữu khi đó mới ban hành quyết định CPH. Vì vậy, việc sắp xếp nhà đất đã ảnh hưởng đến tiến độ CPH của TKV.

Ba là, về độ hấp dẫn đối với giá cổ phần khi DN tổ chức bán đấu giá.

Hiện nay, việc xác định giá trị DN thực hiện theo các phương pháp như: chiết khấu dòng tiền, phương pháp so sánh, phương pháp tài sản… Sau khi xác định theo các phương pháp thì lấy phương pháp tài sản làm gốc để so sánh với các phương pháp khác, từ đó để xác định giá khởi điểm bán cổ phần.

Thực tế cho thấy, giá trị DN xác định theo phương pháp tài sản thường cao hơn giá thị trường; đồng thời để “an toàn” thì các DN thường định giá cao hơn (đặc biệt đối với các tài sản đã hết khấu hao, khi định giá lại thì giá trị xác định tối thiểu bằng từ 20-30% nguyên giá). Từ đó, dẫn đến tình trạng giá khởi điểm khi bán cổ phần cao hơn so với giá thị trường, vì vậy việc bán cổ phần lần đầu thường ít được nhà đầu tư quan tâm do giá cao.

Mặt khác, đối với các DN mà phương án CPH xác định Nhà nước nắm giữ từ 51% trở lên thường không hấp dẫn được nhà đầu tư, họ sẽ không bỏ tiền mua cổ phần khi không có quyền quyết định. Còn đối với các DN khai thác khoáng sản không định giá quyền khai thác khoáng sản, không CPH tài nguyên nên không hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là khó tìm nhà đầu tư chiến lược.

Bốn là, về xử lý tài chính trước khi CPH.

Theo quy định tại, khoản 1, Điều 7, Thông tư số 46/2021/TT-BTC ngày 23/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính CPH quy định, DN phải xử lý xong các vấn đề tồn tại về tài chính mới được thực hiện xác định giá trị DN. Điều này rất khó để thực hiện vì các vấn đề tài chính là luôn luôn tồn tại và phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, chỉ khi dừng hoạt động mới hết các vấn đề tồn tại về tài chính, theo đó quy định xử lý xong các vấn đề tài chính là vướng mắc, không khả thi.

Năm là, sự phối hợp giữa các bộ ngành với Cơ quan đại diện chủ sở hữu và DNNN còn chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Việc thông tin, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của DN báo cáo lên trong quá trình thực hiện CPH đôi lúc còn chậm, chưa cụ thể nên DN không thể thực hiện được.

Đề xuất, kiến nghị

Thể chế, văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung:

- Đề nghị các cấp thẩm quyền sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung và có quy định cụ thể phương pháp tính để xác định yếu tố văn hóa, lịch sử trong xác định giá trị DN CPH.

- Để đẩy nhanh được tiến độ sắp xếp cơ sở nhà đất góp phần đẩy nhanh tiến độ CPH thì các cấp thẩm quyền cần xem xét phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương thực hiện việc sắp xếp nhà đất theo quy định.

- Đề nghị xem xét sửa đổi quy định cho phép DN thực hiện xử lý các vấn đề tài chính trước, trong và sau khi CPH.

- Nhà nước cần xem xét tái cơ cấu DN theo hướng: Một là, DN thực hiện thoái vốn toàn bộ đối với những ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ; Hai là, nhà nước nắm giữ 100% vốn và thực hiện tái cơ cấu quản trị DN, nâng cao hiệu quả của DN thay vì CPH mà nhà nước nắm giữ trên 51%.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước:

Cần tạo điều kiện, hỗ trợ giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của DN; xem xét trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến trình CPH.

- Xem xét chế độ đãi ngộ cho cán bộ quản lý DN cho phù hợp và thích đáng;

- Xem xét đánh giá hiệu quả của lãnh đạo quản lý không nên theo từng dự án mà nên đánh giá cả quá trình khi đảm trách nhiệm vụ;

- Xem xét cơ chế huy động vốn cho các DNNN và xem xét điều chỉnh 1 số chính sách cho phù hợp đặc biệt là các Tập đoàn hoạt động theo mô hình Mẹ - Con.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2005), Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg ngày 26/12/2005 thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;

2. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 989/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 chuyển Công ty mẹ của Tập đoàn TKV thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

3. Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 46/2021/TT-BTC ngày 23/6/2021 hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

* Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022