Tổ chức vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập có thể bị phạt lên đến 3 tỷ đồng
Trước tình trạng các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ và không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn do chế tài xử phạt nhẹ, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Theo đó, tổ chức có thể bị phạt từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng, trong khi cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 50 triệu đồng tăng lên 1,5 tỷ đồng.
Theo Điều 59, Luật Kiểm toán độc lập 67/2011/QH12, các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập gồm có: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán hoặc không đúng với nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Cá nhân ký báo cáo kiểm toán khi không đủ điều kiện là kiểm toán viên hành nghề; Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đăng ký hành nghề kiểm toán; Vi phạm quy định về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của Bộ Tài chính; Vi phạm quy định đối với kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng; Vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin có liên quan đến hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán...
Bên cạnh đó, các hành vi này còn gồm: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán khi không có đủ số lượng kiểm toán viên hành nghề theo quy định của Luật này; vi phạm quy định về vốn pháp định, mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp; Do thiếu cẩn trọng dẫn đến sai sót hoặc làm sai lệch kết quả kiểm toán, hồ sơ kiểm toán; Cố tình xác nhận báo cáo tài chính có gian lận, sai sót hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu kế toán, hồ sơ kiểm toán và cung cấp thông tin, số liệu báo cáo sai sự thật; Vi phạm quy định về lập, thu thập, phân loại, sử dụng, bảo quản, lưu trữ hồ sơ kiểm toán và hồ sơ tài liệu về các dịch vụ khác có liên quan; Kê khai không đúng thực tế để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Gian lận để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Vi phạm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập; Báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định...
Về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, Điều 60, Luật Kiểm toán độc lập 67/2011/QH12 quy định rõ các hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm gồm: Cảnh cáo, và Phạt tiền.
Ngoài hình thức xử lý trên, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập.
Cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 60 còn bị đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo đề xuất 3 chính sách để sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, trong đó có việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các chế tài xử phạt.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập theo hướng quy định thời hiệu xử phạt và mức phạt phù hợp, đảm bảo tính hiệu lực, tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm; quy định về hình thức, mức độ xử phạt tương ứng với bản chất của hành vi vi phạm.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 59 của Luật này thì bị xử lý theo các hình thức sau: Cảnh cáo; Phạt tiền: Tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Ngoài hình thức xử lý trên, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ hành nghề kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập.
Cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là 10 năm.
Lý giải về đề xuất sửa đổi này, Bộ Tài chính cho biết, Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, trong đó bao gồm cả các hành vi vi phạm hành chính và hành vi thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 41/2018/NĐ-CP đã có nhiều bất cập không thực hiện được; nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế; mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Cụ thể, mức xử phạt thấp đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập mức phạt tiền tối đa chỉ là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; thời hiệu xử phạt không phù hợp, chỉ 01 năm đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập nên hầu hết các trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đều đã hết thời hiệu xử phạt, không xử phạt được. Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ và không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.
Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập tại dự thảo Luật Kiểm toán độc lập để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác (như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán). Vì vậy, dự thảo sửa đổi và bổ sung các quy định về: thời hiệu xử phạt từ 1 năm lên 10 năm; quy định về mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng (đối với tổ chức) và từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân); bổ sung thêm một số hình thức xử phạt cho phù hợp với thực tế hiện nay và các quy định liên quan.