Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia năm 2022
Trong 4 ngày, từ ngày 2 - 5/11, Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp do ông Võ Tiến Thành - Giám Đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư làm trưởng đoàn cùng các sở, ngành và các doanh nghiệp tham dự Tọa đàm doanh nghiệp với chủ đề “Tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác của các tỉnh khu vực Tây Bắc Campuchia’’ tại tỉnh Battambang, Vương quốc Campuchia.
Tham dự Tọa đàm, phía Việt Nam có Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Thành Văn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, đoàn tỉnh Đồng Tháp gồm Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương cùng 5 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thực phẩm Đại Nghĩa, Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, Công ty TNHH XNK Hương Sen Việt, Công ty CP Davimex; Công ty CP XNK Sen Đại Việt - CN Đồng Tháp); các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại khu vực Tây Bắc Campuchia. Phía Campuchia có Tỉnh trưởng tỉnh Battambang Sok Lou cùng đại diện chính quyền và doanh nghiệp khu vực Tây Bắc Campuchia.
Phát biểu khai mạc, Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn đánh giá cao tiềm năng phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại của các tỉnh Tây Bắc Campuchia: “Về nông-lâm nghiệp với đất đai rộng rãi, phì nhiêu, độ bao phủ rừng lớn; có nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới, đặc biệt là quần thể di tích Angkor và Đền Preah Vihear; lĩnh vực thương mại có nhiều cửa khẩu quốc tế...”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Văn cũng cho rằng, hiện nay quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp khu vực các tỉnh Tây Bắc với đối tác Việt Nam vẫn chưa đạt mức độ như mong muốn, do chưa khai thác được tiềm năng của cả hai bên.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết: “Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia khu vực Tây Bắc năm 2022 diễn ra trong bối cảnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa 2 nước đang diễn ra mạnh mẽ, với kim ngạch thương mại năm sau cao hơn năm trước.
Hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia các mặt hàng: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, hàng dệt may và phụ liệu, xăng dầu, xi măng, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhựa và sản phẩm từ nhựa, giấy, thức ăn gia súc, rau, trái cây, thủy hải sản, thực phẩm chế biến. Việt Nam nhập khẩu của Campuchia: cao su, hạt điều, rau, trái cây, sắt thép phế liệu, vải, nguyên liệu dệt may, đậu tương, nguyên liệu thuốc lá”.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua, ông Võ Tiến Thành cho biết, trên tinh thần quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, trong đó có tỉnh Đồng Tháp kết nghĩa với 2 tỉnh Banteay Meanchey và Pray Veng, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác.
Đồng thời, mong muốn Đồng Tháp với các tỉnh khu vực Tây Bắc cần tăng cường hơn nữa khả năng hợp tác trên các lĩnh vực: xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch; tiếp tục quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và Việt kiều, trong đó có người Đồng Tháp đang kinh doanh, sinh sống, lao động và học tập tại các tỉnh khu vực Tây Bắc ổn định, an toàn và được hỗ trợ cấp giấy tờ pháp lý theo quy định”.
Tham dự Tọa đàm là cơ hội để đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác. Chia sẻ tại tọa đàm, ông Huỳnh Trọng Nghĩa - CEO Đại Nghĩa Food cho biết, sản phẩm với thương hiệu Muối sấy Ngọc Yến đã có nhà phân phối tại thủ đô Phnom Penh, ông mong muốn thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang và Thương vụ Việt Nam tại Campuchia hỗ trợ phát triển sản phẩm của mình đến thị trường các tỉnh khu vực Tây Bắc Campuchia; Đồng thời mong muốn nhanh chóng được tiếp cận những thông tin liên quan đến chính sách đầu tư, thuế, thủ tục hải quan… của Campuchia.
Dịp này, đoàn đã đến làm việc tại tỉnh Pray Veng để chuẩn bị các nội dung tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế giữa hai tỉnh Đồng Tháp và Prayveng theo tinh thần Biên bản thoả thuận hợp tác thường niên năm 2022 giữa UBND tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) và Chính quyền tỉnh Prey Veng (Campuchia); đề xuất sửa chữa cầu Dinh Bà nhằm tạo thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Việt Nam) và Bon Tia Chắc Crây (Campuchia).