Tối ưu hóa cơ hội từ các FTA


Những năm qua, kinh tế thế giới và Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều biến động chưa từng có từ dịch COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng hay lạm phát lan rộng khắp toàn cầu,… Trong bối cảnh đó, số liệu thống kê vĩ mô cho thấy, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ tác động bất lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, đóng góp quan trọng cho bảo đảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Ðạt
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Ðạt

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 76% số doanh nghiệp cho rằng các FTA sẽ tiếp tục có tác động tới triển vọng kinh doanh trong ít nhất ba năm tới và phần lớn là tác động tích cực. Tuy nhiên, cũng có nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khó hưởng lợi từ các FTA, đáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường (47% số doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết cũng như cách thức tận dụng (40%).

Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu

FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau hai năm thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% so kim ngạch xuất khẩu bình quân năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong sáu tháng đầu năm 2022.

Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%;... Một số mặt hàng mới cũng đạt tăng trưởng cao sang thị trường EU trong giai đoạn này như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm tăng hơn 50%; các sản phẩm gốm, sứ tăng hơn 25%; nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện tăng hơn 15%;...

Có thể thấy, EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp về EVFTA do VCCI thực hiện cho thấy, có 41% số doanh nghiệp cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) chia sẻ, lợi ích phổ biến nhất cho doanh nghiệp đến từ các ưu đãi thuế quan cũng như hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. Ðiều này có thể là kết quả của sự cải thiện trong mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về hiệp định này khi có tới gần 94% số doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về EVFTA, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện; khoảng 30% số doanh nghiệp biết khá rõ và khoảng 10% số doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, trong những năm qua, việc thực thi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với Việt Nam cũng mang lại nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tám tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021; xuất siêu ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực.

Khác với các nước trong EVFTA vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam, các nước CPTPP và nhất là các nước châu Mỹ là những thị trường tương đối mới, xuất khẩu của Việt Nam trước CPTPP còn rất nhỏ.

Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu Trần Thanh Hải nhận định, CPTPP đã mang lại những tác động rất lớn, giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tới những thị trường trước đây chưa được khai thác nhiều như Canada, Mexico hay Peru. Xuất khẩu sang các nước này trong các tháng đầu năm nay đã tăng trưởng rất tích cực: Xuất khẩu sang Canada tám tháng đạt 4,5 tỷ USD, tăng 32% so cùng kỳ năm 2021; sang Mexico đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9,2%;…

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các FTA là rất lớn, nhưng theo khảo sát của VCCI, doanh nghiệp cũng phản ánh nhiều lực cản có thể khiến họ khó hưởng lợi từ EVFTA nói riêng và các FTA nói chung. Ðáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường (47% số doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng (40%). Ðây là nguyên nhân khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 2% trong tổng số 2.100 tỷ USD nhập khẩu mỗi năm của thị trường EU.

Các chuyên gia khuyến nghị, trong quá trình thực thi các FTA, cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách của Nhà nước cũng như trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp. TS Cao Xuân Phong, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần cải cách mạnh hơn nữa pháp luật, thể chế trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới trong thời gian tới.

Cụ thể, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, hiệu quả vào chuỗi cung ứng.

Về phía các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang chia sẻ, sự chủ động trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp là điều kiện cần, còn nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ giúp doanh nghiệp hiện thực hóa các lợi ích từ các FTA. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về cơ hội cắt giảm thuế quan đối với mỗi sản phẩm đặc trưng của mình; chủ động nắm bắt thông tin về thị trường với các xu hướng, thị hiếu cũng như cơ chế nhập khẩu hàng hóa, trong đó quan tâm đến các yêu cầu chất lượng, tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn.

Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhất là trong khuôn khổ các hiệp hội sẽ là yếu tố trợ lực có ý nghĩa để tận dụng các cam kết hội nhập được hiệu quả, an toàn và bền vững.

Thu hút sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng

Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký giữa ASEAN và năm nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia là FTA có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu. Kết quả phân tích sau gần một năm chính thức thực thi cho thấy, tác động thương mại của RCEP đến Việt Nam không đáng kể do trước đó chúng ta đã có các FTA song phương hoặc đa phương với tất cả thành viên của khối với mức thuế cho các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như linh kiện điện tử, dệt may,… đều rất thấp.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy tắc xuất xứ thống nhất trong RCEP đã tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực. Ðặc biệt, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam đã diễn ra từ trước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ RCEP. Dòng vốn FDI của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư lớn trong khu vực đẩy mạnh chuyên môn hóa để phát triển chuỗi cung ứng.

TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết: “Sản xuất của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng hiện chủ yếu tập trung vào hạ nguồn với việc gia công, lắp ráp (điện tử, ô-tô, may mặc) hay các sản phẩm hoàn thiện có kỹ thuật thấp hoặc trung bình (ngành dệt). Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, RCEP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất, khắc phục tình trạng gia công hiện nay bằng cách thúc đẩy mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô, thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất thượng nguồn.

Bên cạnh đó, RCEP cũng giúp tăng cường chuyên môn hóa các ngành Việt Nam đang có lợi thế, từ đó lôi kéo thêm nhiều FDI trong chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Hiệp định này còn giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ cộng gộp, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA”.

Lấy chuỗi cung ứng ngành sản xuất ô-tô để phân tích kỹ hơn các lợi ích đến từ RCEP, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, Việt Nam hiện đang sản xuất chủ yếu các sản phẩm thâm dụng lao động, kỹ thuật thấp như ghế ngồi, kính, săm lốp,… trong khi phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm linh kiện có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống động cơ, hộp số, ly hợp, hệ thống lái.

Quy tắc xuất xứ cộng gộp trong RCEP sẽ giúp sản phẩm ô-tô lắp ráp tại Việt Nam tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên do đa số thị trường nhập khẩu linh kiện chính cho sản xuất ô-tô đều là thành viên của RCEP (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan).

Thực tế thời gian gần đây, một số tập đoàn ô-tô lớn trong khu vực đã và đang có kế hoạch chuyên môn hóa sản xuất một số sản phẩm linh kiện, mô-đun tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường ASEAN do ưu đãi thuế quan đã về 0% từ năm 2018. Do vậy, việc thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn nữa trong RCEP dự báo sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư chuyên môn hóa từ các tập đoàn sản xuất ô-tô.

Tương tự, RCEP cũng sẽ giúp đẩy nhanh thu hút FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành may mặc vào Việt Nam nhờ mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và quy tắc xuất xứ linh hoạt cũng như khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào thấp hơn từ các đối tác trong RCEP.

Ðể tận dụng cơ hội tốt hơn từ RCEP, TS. Trần Toàn Thắng kiến nghị cần tăng cường công tác phổ biến thông tin về hiệp định này, nhất là lợi ích và thách thức của các quy định trong RCEP trên góc độ định hình các chuỗi cung ứng, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hơn trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong quá trình thu hút sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, cần có sự chọn lọc kỹ càng đối với dòng vốn đầu tư FDI, kèm theo các hình thức bảo hộ, hỗ trợ phù hợp với những ngành sản xuất linh kiện, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tới các thị trường trong RCEP nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu, tăng tích lũy và chuyển dần hoạt động sản xuất lên phân khúc giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi.

Ðối với ngành sản xuất ô-tô, cần đẩy mạnh xúc tiến, tạo thuận lợi cho thu hút FDI từ các tập đoàn ô-tô lớn, hướng tới chuyên môn hóa sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp ô-tô để xuất khẩu sang các nước RCEP. Riêng với ngành may mặc, chúng ta cần tận dụng RCEP để thu hút đầu tư từ các nhãn hàng, thương hiệu nổi tiếng của thế giới, từ đó hấp dẫn nhà cung cấp của các hãng này đến Việt Nam để sản xuất nguyên phụ liệu chất lượng cao, góp phần giảm nhập siêu cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Theo Chí Công/nhandan.vn