Tồn tại cần khắc phục trong phát triển kinh tế Việt Nam
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tích đáng kể, tăng trưởng luôn ở mức cao, tuy nhiên, vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế cần khắc phục trong quá trình phát triển.
Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% (vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%) và đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế...
Phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập, hạn chế như: Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tạo ra sự liên doanh liên kết, tác động lan tỏa; Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực; Hiệu quả đầu tư chưa thực sự cao, vẫn còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái… ảnh hưởng không đến sự phát triển lâu dài của đất nước.
Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các doanh nghiệp và các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực; Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật trong nhiều ngành nghề vẫn còn hạn chế; Tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực là chưa cao; Vai trò của kinh tế tư nhân tuy đã được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng cần có thêm những chính sách cụ thể để phát huy trong thời gian tới...
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam; Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực chất hơn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chú trọng đầu tư phát triển khoa học – kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế; Nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có các giải pháp cụ thể để Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của cách mạng công nghiệp trên thế giới.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới đang có nhiều biến động khó lường, cần chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh nông thôn; Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tránh xa sự lợi dụng của các thế lực thù địch và chống phá cách mạng.
Bên cạnh đó, cần củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế; Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021...