Tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ ít hơn các nước khác?
Trong nỗ lực chiến đấu với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao về những biện pháp chống dịch hiệu quả. Điều này được giới phân tích đánh giá là giúp giảm thiểu áp lực và tạo lợi thế lớn cho nền kinh tế khi mở cửa trở lại sau dịch.
Việt Nam đã “làm phẳng đường cong” COVID-19
Theo phân tích từ Nhóm nghiên cứu của VinaCapital về tác động của đại dịch COVID-19 tới Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao vì là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch COVID-19, điều đó có nghĩa là tổng số ca nhiễm tại Việt Nam khá “bằng phẳng” theo thời gian.
Biểu đồ dưới đây cho thấy VinaCapital phân tích rõ, số ca nhiễm COVID-19 còn lại của Việt Nam kể từ trường hợp đầu tiên xuất hiện vào ngày 23/1 đã phẳng hơn nhiều so với đường cong COVID-19 của các quốc gia khác.
Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống theo dõi không chỉ những người bị nhiễm bệnh (các bệnh nhân F0), mà còn giám sát một loạt những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị nhiễm và/hoặc bị nghi nhiễm (trong chế độ theo dõi COVID-19 của Việt Nam, những người bị nghi nhiễm COVID-19 hoặc đã tiếp xúc với bệnh nhân F0 được gọi là F1, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân F1 được gọi là F2... và xác định lên tới F5).
Tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam đúng là không thể như kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn có thể đạt mức trên dưới 4% do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cùng các gói hỗ trợ bơm ra cho nền kinh tế kịp thời.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng
Một trong những ưu tiên chính của chính phủ các nước hiện nay là giảm bớt sự gia tăng đột ngột của tổng số ca nhiễm COVID-19 trong biểu đồ trên (đối với các nước Mỹ và châu Âu), bởi tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Rõ ràng, bệnh nhân COVID-19 không thể điều trị tốt nếu bệnh viện bị quá tải, nhưng những người có vấn đề sức khỏe khác, như đau tim hoặc ung thư cũng sẽ không thể được điều trị đầy đủ khi các bác sĩ cũng đang bị quá tải với các ca nhiễm COVID-19 và các nguồn lực y tế cũng đang tập trung cho dịch COVID.
Tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ ít hơn các nước khác?
Một cuộc thăm dò được thực hiện ở Mỹ vài ngày trước đã hỏi người Mỹ rằng họ lo ngại điều gì nhất liên quan đến COVID. Hơn một nửa số người Mỹ nói rằng lo ngại nhất về tác động của COVID-19 đối với họ là về mặt kinh tế, trong khi chỉ có 4% người dân ở Mỹ nói rằng mối lo ngại hàng đầu là bị nhiễm COVID.
Nếu cuộc thăm dò này được tiến hành tại Việt Nam, số người Việt Nam nói rằng mối lo ngại hàng đầu liên quan đến COVID-19 là tác động về mặt kinh tế thay vì tác động về mặt sức khỏe - có thể còn cao hơn ở Mỹ, nhưng chúng tôi cho rằng việc xử lý khủng hoảng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam sẽ phần nào giúp giảm bớt những lo ngại này.
Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi nhà kinh tế học Robert Barro của Đại học Harvard vào tháng trước, nhiều quốc gia có thể phải chịu mức giảm tăng trưởng GDP tới 6% hoặc cao hơn trong năm nay, dựa trên tác động kinh tế của đại dịch nghiêm trọng trong quá khứ, như dịch cúm Tây Ban Nha.
Ví dụ, kinh tế Mỹ ban đầu được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020, nhưng dịch COVID-19 bùng phát có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ khoảng 7% và vì thế các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống -5% năm nay. Tương tự như vậy, kinh tế Thái Lan ban đầu được dự báo tăng 3% trong năm 2020, hiện nay mức dự báo này được điều chỉnh giảm khoảng 8% do tác động của dịch COVID, và các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống -5% năm nay.
Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ. Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam đúng là không thể như kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn có thể đạt mức trên dưới 4% do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cùng các gói hỗ trợ bơm ra cho nền kinh tế kịp thời.
Gần đây, trong một khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) - cho thấy, các doanh nghiệp Đức đều hạ thấp đáng kể mục tiêu tài chính của mình trong năm nay do ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, so sánh với các chỉ số trung bình được đánh giá bởi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức tại Đông Nam Á, các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn và cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp Đức vào tình hình phát triển của chính doanh nghiệp mình tại Việt Nam.
Cuối cùng, một yếu tố nữa sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão kinh tế toàn cầu. Việt Nam sản xuất các sản phẩm cao cấp như điện thoại thông minh và máy ảnh kỹ thuật số, nhưng phần lớn các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất tại Việt Nam vẫn là hàng hóa thứ cấp được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu và được bán cho người tiêu dùng trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở châu Âu.
Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng thứ cấp được bán trong các cửa hàng giảm giá (chẳng hạn như thiết bị thể thao/thảm yoga, đồ chơi thú cưng, đồ làm vườn, dụng cụ nhà bếp thứ cấp...) thường vẫn ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Đó là vì nếu trước khi suy thoái người tiêu dùng đã quen mua các sản phẩm xa xỉ đắt tiền, thì sau khi suy thoái kinh tế xảy ra, họ bắt đầu mua sắm các sản phẩm tiết kiệm hơn được bán trong các cửa hàng giảm giá, để giảm mức chi tiêu hàng tháng.