Tôn, thép Việt trước sức ép bảo hộ thương mại
Mặc dù đã dự báo trước, nhưng ngành tôn, thép trong nước vẫn không thể lường hết được sức ép bảo hộ thương mại ngày một gia tăng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh vô cùng gay gắt trên sân chơi hội nhập toàn cầu.
Giảm mạnh sản lượng lẫn kim ngạch
Tình cảnh buồn trong ngành sắt thép xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm 2019 là giá chỉ đạt ở mức trung bình 650 USD/tấn, giảm mạnh hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Dấu hiệu này cho thấy, sức ép cạnh tranh về giá trên thương trường quốc tế đang khiến ngành sắt thép giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu và với tình hình căng thẳng thương mại giữa các cường quốc hiện nay vẫn đang tiếp diễn, sức ép về giá của ngành sắt thép nói chung sẽ còn diễn biến khó lường và theo chiều hướng rất khó khăn.
Về thị trường xuất khẩu, hầu hết những bạn hàng quen thuộc lâu nay của ngành sắt thép Việt Nam như Campuchia, Indonesia hay Malaysia… vẫn đảm bảo sản lượng, dù không có đột phá tăng trưởng. Tuy nhiên, xuất khẩu sắt thép sang một số thị trường như Mỹ lại sụt giảm rất mạnh: hơn 42% về lượng và trên 46% về kim ngạch.
Sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm chưa tới 9% tổng sản lượng thép xuất khẩu. Trong khi đó, năm 2018 tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 14%. Đáng chú ý, sản phẩm chính xuất khẩu sang Mỹ là thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (chiếm khoảng 80% - 85%).
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khiến việc xuất khẩu sụt giảm mạnh với khoảng 50% so với cùng kỳ, nguyên nhân do ảnh hưởng, tác động của chiến tranh thương mại.
Ở chiều ngược lại, cả nước đã chi trên 5 tỷ USD để nhập khẩu thép các loại, tăng mạnh cả sản lượng lẫn giá trị, lần lượt là trên 14% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất, chiếm trên 42% trong tổng lượng và chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
“Đáng chú ý, thép cuộn chứa Bo của Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh, được trà trộn bán với giá rẻ khiến thị trường thép xây dựng trong nước đang rất khó khăn về tiêu thụ, bởi cung vượt cầu quá nhiều”, đại diện VSA phản ánh.
Xây dựng “rào cản” đủ mạnh
Theo Phó Chủ tịch VSA Trịnh Khôi Nguyên, từ đầu năm đến nay, ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, cộng thêm hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không chỉ vậy, tình trạng dư thừa nguồn cung thép trên thế giới cũng đang gây ra sự bất ổn của thị trường thép nói chung, trong đó có Việt Nam. Bởi theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất các sản phẩm thép của Việt Nam từ năm 2018 cung đã vượt cầu quá xa. Từ đó dẫn đến nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm thép trong nước chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, chưa có nhà máy nào đạt 100%.
Chưa kể, một số dự án thép lớn tiếp tục đi vào hoạt động trong năm nay càng làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu. Trước sức ép hiện nay, trong ngắn hạn, VSA kiến nghị Nhà nước không phê duyệt, cấp phép thêm các dự án đầu tư mới đối với những sản phẩm thép trong nước đang có công suất dư thừa quá lớn. Đơn cử như thép cuộn cán nóng/nguội, thép xây dựng, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, VSA khuyến cáo các doanh nghiệp chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy định làm hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Có các chính sách và biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, vào Việt Nam những công nghệ không thích hợp, tiêu hao năng lượng nhiều, gây ô nhiễm môi trường như các lò điện cảm ứng sản xuất thép.
“Theo quan điểm của VSA, trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, kiện lẩn tránh áp thuế - PV) là việc làm thường xuyên, kịp thời để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, cần tuân thủ những quy định của WTO”, ông Trịnh Khôi Nguyên đề nghị.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Thép Việt Đỗ Duy Thái cho rằng, việc đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại không phải đi đấu tranh với bên ngoài để được hưởng thuế suất, mà điều quan trọng hơn cả chính là rào cản để bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước. Ông Thái dẫn chứng, Mỹ là nước được đánh giá tự do về mậu dịch, nhưng chính họ vẫn phải bảo vệ thị trường trong nước bằng các biện pháp chống bán phá giá.
Đặc biệt, Mỹ coi việc bảo vệ thị trường trong nước quan trọng hơn việc xuất khẩu. Chính việc làm này đem đến thành công cho họ. “Do đó, điều đầu tiên và quan trọng hơn cả trong lúc này là vai trò của Nhà nước bảo vệ doanh nghiệp bằng các biện pháp phòng vệ. Mặc dù biện pháp này có thể bị hệ lụy, nhưng sẽ không lớn. Điều quan trọng là sản phẩm thép Việt Nam có đáp ứng chất lượng và giá thành cạnh tranh được với giá thế giới không”, ông Thái nói.
Các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ pháp luật cạnh tranh quốc tế; tích cực phối hợp với các đối tác bạn hàng thị trường xuất khẩu để cập nhật thông tin, cung cấp thông tin trung thực với cơ quan điều tra các nước để bày tỏ thiện chí hợp tác.