Tổng cục Hải quan đôn đốc triển khai các biện pháp thu ngân sách chặng nước rút


Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao trong năm 2020, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2020, Tổng cục Hải quan được giao chỉ tiêu thu NSNN 338.000 tỷ đồng trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biển tích cực.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thiên tai, hạn hán, ngập lụt, dịch bệnh... xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và mưa lũ bão lụt liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong bối cảnh đó, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN được giao, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt... đối với tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tìm ra giải pháp phù hợp phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN và kịp thời phản ánh, báo cáo về Tổng cục Hải quan.

Đẩy mạnh chống thất thu qua kiểm tra sau thông quan

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế suất thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt, trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.

Thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời trong đó tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.

Tổng cục Hải quan yêu cầu tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc các biện pháp đôn đốc thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo số nợ đến 31/12/2020 phải thấp hơn số nợ tại thời điểm 31/12/2019.

Đặc biệt, đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó, tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan.

Kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm, hoàn thuế, đảm bảo việc miễn, giảm, hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy chế, quy trình quản lý thuế.

Tập trung đôn đốc, thu hồi nợ thuế

Trong công tác thu hồi nợ thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành rà soát, phân loại chính xác các nhóm nợ theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018.

Trong đó, đối với nhóm nợ khó thu, các doanh nghiệp có đủ điều kiện, hồ sơ xóa nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thì thực hiện thủ tục khoanh nợ, xóa nợ theo quy định ngay trong năm 2020.

Đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 thì chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bổ sung các bước đảm bảo khi Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2014/QH14 có hiệu lực thì thực hiện nợ; đối với các trường hợp không đủ điều kiện xóa nợ thì tiếp tục theo dõi, thực hiện các biện pháp cưỡng chế để đôn đốc thu hồi nợ thuế theo quy định.

Đối với nhóm nợ chờ xử lý, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo hồ sơ đề nghị miễn thuế hàng an ninh quốc phòng theo đúng quy trình ban hành kèm theo Quyết định 4073/QĐ-TCHQ ngày 1/12/2017 trong đó lưu ý thời gian gửi hồ sơ miễn thuế về Tổng cục Hải quan trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày giải phóng hàng hóa để Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết xét miễn thuế, đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định làm giảm nợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đối với nhóm nợ có khả năng thu, nợ phạt vi phạm hành chính, số nợ giao thu hồi và xử lý tại Quyết định số 924/QĐ-TCHQ ngày 27/3/2020, Tổng cục Hải quan yêu cầu tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc các biện pháp đôn đốc thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo số nợ đến 31/12/2020 phải thấp hơn số nợ tại thời điểm 31/12/2019.

Trong đó, các đơn vị tăng cường đôn đốc thu hồi và xử lý đối với các khoản nợ được giao tại Quyết định số 924/QĐ-TCHQ. Đối với các khoản nợ đã có phán quyết của Tòa án thì triển khai xử lý các khoản nợ theo phán quyết của Tòa án khi bản án có hiệu lực thi hành. Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 thì khẩn trương đôn đốc thu hồi và xử lý hết nợ trước ngày 31/12/2020.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các chính sách mới ban hành...