Một số điểm mới của Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Sáng ngày 13/6/2019, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Luật Quản lý thuế quy định cụ thể nhiều nội dung trong quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử… Bài viết phân tích những điểm mới đáng lưu ý được quy định tại Luật này.

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước .
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước .

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (NSNN). Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Người nộp thuế (NNT); cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Các hành vi bị cấm

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như: Thông đồng, móc nối, bao che giữa NNT và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thu; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Các hành vi bị cấm khác là: Sử dụng mã số thuế của NNT khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật. Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về NNT.

Bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật kế toán, pháp luật thuế bằng phương tiện điện tử. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh nên việc yêu cầu bắt buộc dùng hóa đơn điện tử để quản lý thuế là điều tất yếu.

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Khi yêu cầu bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử thì người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh...

Sửa đổi quy định về xóa nợ tiền thuế

Điều 85, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định có 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cụ thể như sau: DN, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của NNT không thuộc 2 trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào NSNN theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Việc quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thay vì trước đây không thể thu hồi được khoản nợ trên, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ này, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn dù đây chỉ là nợ ảo và nợ thuế không có khả năng thu hồi suốt thời gian qua đã tạo áp lực lớn về chi phí quản lý, nhân lực quản lý.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, việc bổ sung quy định về khoanh nợ tại Luật Quản lý thuế (sửa đối) lần này sẽ làm giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí về nhân lực của cơ quan quản lý thuế. Muốn xoá nợ tiền thuế, DN cần lập văn bản đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT thuộc diện được xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt kèm theo quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp DN bị tuyên bố phá sản và các tài liệu liên quan đến việc đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp: NNT là DN, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp; Cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp bao gồm tài sản được thừa kế; Cá nhân, hộ kinh doanh; DN thuộc trường hợp có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng. Đối với khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng do Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với DN có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với DN có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.

Bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Trong xu thế các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi, các ứng dụng kinh doanh online ngày càng phổ biến trong đời sống học tập, làm việc của người dân thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là hoạt động hết sức cần thiết. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lấy sự kết hợp của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại làm trọng tâm trong việc hỗ trợ thu thuế thương mại điện tử. Đây là một yếu tố quan trọng vì sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến nền kinh tế số hóa, thì mọi giao dịch của nền kinh tế được thực hiện qua giao dịch ngân hàng. Mặc dù, các quy định tại luật quản lý thuế sửa đổi hiện nay chỉ mang tính chất định hướng, tuy nhiên, nó đóng vai trò là nền tảng, là cơ sở để các bộ, ngành liên quan ban hành các quy định chi tiết công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Mở rộng quyền của người nộp thuế

Bên cạnh các quyền được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành, nhiều quyền mới được bổ sung tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của NNT như: Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; Được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử NNT đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử; Được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan; Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của NNT.

Quản lý hoạt động chuyển giá

Khi các DN thực hiện các giao dịch liên kết với giá cả bất bình thường (so với giao dịch với các bên độc lập, không có quan hệ liên kết trong các điều kiện như nhau) để chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm lách thuế và trốn thuế thì đó được coi là hoạt động chuyển giá, hoạt động này là vi phạm pháp luật, vì vậy trong luật quản lý thuế sửa đổi đã đưa ra 2 nguyên tắc cụ thể sau:

Một là, nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với NNT có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch giữa các bên độc lập (các bên không có mối quan hệ liên kết).

Hai là, nguyên tắc bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với NNT có phát sinh giao dịch nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT để xác định bản chất của giao dịch trên cơ sở đối chiếu với các giao dịch tương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh.

Để quản lý hoạt động trốn thuế thông qua chuyển giá, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã đưa ra 3 nguyên tắc kê khai xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết: Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập; Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế; NNT có quy mô nhỏ, rủi ro thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho cơ quan thuế

Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định đại lý thuế được cung cấp “Dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ, DN siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa”. Quy định này cho phép các đơn vị kinh doanh đại lý thuế thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán ngoài việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện, điều này phù hợp với Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, giúp những DN nhỏ và siêu nhỏ tiết kiệm chi phí khi thay vì thuê hai đơn vị thực hiện hai dịch vụ (tư vấn thuế và kế toán), nay chỉ cần một đơn vị thực hiện 2 nhiệm vụ trên. Các đại lý thuế cũng được mở rộng phạm vi kinh doanh, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh và phát triển.

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế

Một trong những quy định mới khác trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được thông qua là các ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho NNT; bảo mật thông tin NNT... Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của NNT cho cơ quan quản lý thuế.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của NNT bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...

Kết luận

Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của DN, những tác động mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Quản lý thuế hiện hành đã bộc lộ những khiếm khuyết, những nội dung và khoảng trống cần phải chỉnh sửa, bổ sung, vì vậy Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ban hành vào thời điểm này là hợp lý, khắc phục được các nhược điểm, thiếu sót của Luật Quản lý thuế hiện hành để đảm bảo thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước, cần được thu đúng, thu đủ, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.       

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Quản lý thuế sửa đổi, năm 2019;
  2. https://vietnamfinance.vn/ba-diem-nhan-trong-du-thao-luat-quan-ly-thue-sua-doi-20180504224219410.htm;
  3. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2018-08-03/nhieu-diem-moi-trong-du-thao-sua-doi-luat-quan-ly-thue-60608.aspx.