Tổng hợp một số chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 9/2021

PV.

Quy định mới về hướng dẫn chi cho kiểm định chất lượng giao dục; Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Quy chế tài chính của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam... là những chính sách mới về lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ tháng 09/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho kiểm định chất lượng giáo dục

Ngày 12/7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, đối với chi hoạt động tự đánh giá, Thông tư nêu rõ, cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để chi cho hoạt động tự đánh giá.

Đối với chi hoạt động đánh giá ngoài, Thông tư quy định các khoản chi tiền công cho thành viên đoàn đánh giá ngoài như sau: Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài, giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài (trưởng đoàn, thư ký, thành viên) phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương.

Thông tư số 56/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 56/2021/TT-BTC.

Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

Ngày 26/7/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Theo Thông tư, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Thông tư nêu rõ xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập.

Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tư số 61/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 09/9/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 61/2021/TT-BTC.

Quy chế tài chính của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam

Ngày 29/07/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 62/2021/TT-BTC về quy chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.

Theo Thông tư, Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận; thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được xác định là một loại hàng hóa, Công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua...

Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 62/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 62/2021/TT-BTC.

Quy định về lập dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

Ngày 29/7/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Cụ thể, hàng năm, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước của cấp có thẩm quyền, căn cứ trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công và chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công lập dự toán kinh phí thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, tổng hợp vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình, gửi cơ quan quản lý cấp  trên xem xét, tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị dự toán cấp I.

Ngoài ra, khi kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng, đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công phê duyệt kế hoạch sửa chữa, trong đó thuyết minh đầy đủ các nội dung theo quy định.

Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định.

Thông tư số 65/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 65/2021/TT-BTC.

Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm

Ngày 05/8/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 67/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm.

Thông tư quy định cụ thể các mức phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, mức phí là 1,5 triệu đồng/lần/sản phẩm.

Phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh sách mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định, mức thu phí là 500.000 đồng/lần/sản phẩm. 

Phí xác nhận lô hàng thực phẩm nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí kiểm nghiệm) từ 300.000 đến 10 triệu đồng/lô hàng.

Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu (Giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy chứng nhận xuất khẩu, giấy chứng nhận y tế) là 1 triệu đồng/lần/giấy chứng nhận.

Phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm từ 500.000 đến 28,5 triệu đồng/lần.

Thông tư số 67/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19/9/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 67/2021/TT-BTC.