TP. Hồ Chí Minh: Chỉ số GRDP quý I tăng 7,51%, cao nhất kể từ năm 2020 đến nay
Tính đến hết tháng 3/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (GRDP) quý I tăng 7,51% so với cùng kỳ năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 151.098 tỉ đồng, bằng 29,05% dự toán, tăng 7,72% so cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

Nhiều lĩnh vực tăng cao so với cùng kỳ
Tại Phiên họp định kỳ về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội quý I và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý II/2025 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 3 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã tập trung duy trì, làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm làm đòn để bẩy phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng khoảng 0,27%; công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,94%; dịch vụ tăng khoảng 8,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng khoảng 4,53%.

Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước quý I đạt khoảng 151.098 tỉ đồng, đạt 29,05% dự toán, tăng 7,72% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 123.368,7 tỉ đồng, đạt 31,69% dự toán, tăng 9,01% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 27.728,3 tỉ đồng, đạt 21,33% dự toán, tăng 2,33% so cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng ổn định, hầu hết DN các ngành công nghiệp trọng yếu đã có đơn hàng đến giữa năm 2025, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8%.
Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,2%, do tình hình thị trường trong kỳ ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng giá đột biến và nguồn cung các mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Riêng thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,55%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 15%. Hiện nhiều DN đã có đủ đơn hàng đến quý II và tiếp tục đàm phán đơn hàng đến cuối năm 2025. Qua 3 tháng đầu năm, Thành phố cũng đã thu hút nguồn thu từ FDI khoảng 567,21 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách, với tổng doanh thu du lịch tăng 26,7%; khách quốc tế ước đạt 1,63 triệu lượt, tăng 18,2%. Cùng với khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 19%; khối lượng vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên ước đạt 5,3 triệu lượt hành khách, đạt 38% so với kế hoạch năm 2025 (14,2 triệu lượt hành khách).
Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, qua 3 tháng, công tác triển khai còn một mặt hạn chế như: một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp, số DN thành lập mới giảm về số lượng và về vốn đăng ký, số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp, tính đến cuối tháng 3, Thành phố giải ngân được 4.556 tỷ đồng, đạt 5,4% kế hoạch (84.149 tỷ đồng).
Ngoài ra, công tác thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có lúc, có nơi còn gặp nhiều khó khăn, thực tế khối lượng công việc tại một thời điểm quá lớn. Mặt khác, công tác tham mưu một số nhiệm vụ có lúc còn bị động, chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng. Công tác huy động nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, các quỹ đất lớn sẵn sàng để mời gọi nhà đầu tư chưa có hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý quy hoạch, đầu tư… đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của toàn Thành phố trong quý I/2025.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 10%
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của cả năm 2025, đặc biệt là đạt tăng trưởng trên 10%, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề ra các kế hoạch trọng tâm và chỉ đạo các cơ quan, sở ngành, các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm như: tập trung đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, chú trọng kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố năm 2025, với mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội phấn đấu trên 620.000 tỷ đồng. Cùng lúc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công đến cuối năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi sát tình hình thu - chi ngân sách, triển khai các giải pháp nhằm thu đúng - thu đủ, chống thất thu, nuôi dưỡng nguồn thu, hạn chế nợ thuế mới phát sinh, triển khai các giải pháp phòng - chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp…; kiểm soát chi theo đúng định mức và quy định.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng giao Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 12%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 10%; tập trung hỗ trợ DN phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa Thành phố và các tỉnh, thành phố, giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn với hệ thống phân phối.
Đáng chú ý, Chính quyền Thành phố cũng lưu ý về việc khẩn trương ban hành Quy chế Tổ Công tác đặc biệt và Kế hoạch chi tiết xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng năm 2025. Phối hợp các đơn vị đề xuất Danh mục công trình, dự án ưu tiên giải quyết năm 2025, đảm bảo thực hiện mục tiêu giải quyết 50% công trình, dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, 100% công trình, dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố trong năm 2025.
Ngoài ra, các cơ quan, sở ngành trên địa bàn tập trung rà soát, tham mưu đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh có phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh rườm rà, gây khó khăn cho người dân và DN. Trong đó, mỗi cơ quan cắt giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính; 30% thủ tục hành chính có điều kiện kinh doanh không cần thiết. Từ đó, góp phần giúp người dân, DN tiết kiệm chi phí, thời gian để tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả./.