TP. Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư hai tuyến đường sắt liên vùng

Diệp Anh

Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản báo cáo UBND Thành phố trình bày phương án triển khai quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, giao thông công cộng (mô hình TOD) là một chiến lược phát triển tích hợp đô thị với hệ thống giao thông công cộng rất hiệu quả hiện nay.

Hệ thống tàu điện nội đô Tram train - Một loại phương tiện công cộng hiện đang rất phổ biến ở các nước phát triển. Ảnh: Ngũ Dũng
Hệ thống tàu điện nội đô Tram train - Một loại phương tiện công cộng hiện đang rất phổ biến ở các nước phát triển. Ảnh: Ngũ Dũng

Để đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với TP. Hồ Chí Minh cùng các địa phương và bộ ngành liên quan trong quá trình lập các quy hoạch mang tính kỹ thuật, chuyên ngành đường sắt. 

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND Thành phố đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt liên kết vùng TP. Hồ Chí Minh..

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt và Thủ Thiêm - Long Thành. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt và Thủ Thiêm - Long Thành.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam, TP. Hồ Chí Minh có 5 tuyến đường sắt kết nối với các địa phương khác như: Đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh; đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh; đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km chỉ phục vụ hành khách. Ảnh: Ngũ Dũng.
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km chỉ phục vụ hành khách. Ảnh: Ngũ Dũng.

Trong đó, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD (163.800 tỷ đồng) với điểm đầu tuyến tại ga An Bình (Bình Dương) và điểm cuối tại ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), điểm cuối là sân bay quốc tế Long Thành. Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/h cho tàu khách và 120 km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ TP. Cần Thơ lên TP. Hồ Chí Minh sẽ được rút ngắn chỉ còn 75-80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3-4 giờ như hiện nay.