Hệ thống đường sắt Nga đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam

Theo Khánh Minh/laodong.vn

Hành lang vận tải đường sắt Nga - Việt tròn 5 tuổi, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hệ thống vận tải đường sắt Nga - Việt Nam.
Hệ thống vận tải đường sắt Nga - Việt Nam.

Hành lang vận tải đường sắt Nga - Việt tròn 5 tuổi

Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác chủ chốt của Nga. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020.

Cách đây 5 năm, công ty vận tải đường sắt Nga RZD Logistics trực thuộc Tập đoàn Đường sắt Nga cùng với công ty vận tải và thương mại Ratraco của Việt Nam đã khai thông hành lang vận tải đường sắt quốc tế (MTC) Nga - Việt - Nga. Ông Dmitry Murev - Tổng Giám đốc RZD Logistics nói với Sputnik rằng dịch vụ này hỗ trợ ngay lập tức các yêu cầu gửi hàng của các nhà sản xuất Nga và Việt Nam.

Ông Murev cho hay, khả năng của hành lang đường sắt đang được điều chỉnh phù hợp với xu hướng của thị trường vận tải và dịch vụ hậu cần cũng như nhu cầu của khách hàng. 

Trong giai đoạn giữa đại dịch COVID-19, phía Nga đã ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của Việt Nam đối với thức ăn trẻ em do Nga sản xuất được bổ sung nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng, có những công dụng riêng đối với sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Các sản phẩm này được các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng ngay cả với trẻ sơ sinh không dung nạp lactose hoặc bị dị ứng với lactose. Do đó, các lô hàng sữa bột và thực phẩm khô cho trẻ sơ sinh gửi đến Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, lên 4 container 40 feet, với tổng khối lượng là 266 mét khối mỗi tháng - ông Dmitry Murev cho biết.

Hàng hóa từ Nga đến Việt Nam và theo chiều ngược lại từ Việt Nam đến Nga được vận chuyển qua hành lang vận tải đường sắt MTC giữa một nhà ga ở khu vực Mátxcơva và ga Yên Viên ở Hà Nội, và từ đó hàng hóa được vận chuyển đường bộ đến các cửa hàng. Thời gian vận chuyển trung bình từ ga này đến ga khác là 24 ngày. 

Đối với người gửi hàng, giao hàng bằng đường sắt có một số ưu điểm: Cho phép giảm thời gian vận chuyển so với vận chuyển bằng đường biển và đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Trong bối cảnh cước phí vận tải biển thế giới tăng cao, hành lang đường sắt cũng giúp tiết kiệm chi phí. Ngày nay, khách hàng của MTC có thể truy cập vào giao hàng nhanh bằng đường sắt thông qua cơ chế một cửa - đơn giản hóa thủ tục vận chuyển và cung cấp vận đơn đường sắt, chứng từ vận tải cơ bản trong việc chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt.

Trà, cà phê, gia vị, đồ hộp, giày dép và quần áo, kẹo và sô cô la, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm polyme đang được vận chuyển theo tuyến hành lang vận tải Nga - Việt - Nga. Năm nay, khối lượng hàng hóa được vận chuyển mỗi tháng theo hành lang giao thông đường sắt do RZD Logistics thực hiện đã tăng 4,5 lần so với năm 2021.

Mối quan tâm của cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu Nga và Việt Nam đối với việc vận chuyển theo hành lang đường sắt đang ngày càng tăng. Theo các chuyên gia của RZD Logistics, hiện nay nhu cầu của khách hàng vận chuyển theo tuyến đường này đã vượt quá số chỗ còn trống trên đoàn tàu container.

Chính bởi vậy, công ty RZD Logistics cùng với các đối tác Việt Nam đang làm việc một cách có hệ thống để cải thiện dịch vụ và mở rộng khả năng của MTC. Ví dụ, tại triển lãm quốc tế TransRussia được tổ chức tại Mátxcơva vào tháng 4/2022, đại diện của công ty Ratraco đã đến thăm gian hàng của RZD Logistics để thảo luận về triển vọng phát triển hợp tác với các đồng nghiệp Nga.

Dịch vụ sắt mới từ Việt Nam sang Nga

Trước đó, hồi tháng 5/2022, TransContainer (thuộc Tập đoàn Delo) - hãng vận hành đường sắt container lớn nhất của Nga - đã khai trương tuyến giao thông đường sắt thường xuyên từ Việt Nam đến Nga qua cửa khẩu Zabaikalsk. Thời gian vận chuyển từ Hà Nội tới ga Elektrorougly ở Mátxcơva với chiều dài hơn 10.000km mất khoảng 35 ngày.

TransContainer khai trương tuyến đường sắt trực tiếp đầu tiên từ Hà Nội đến Mátxcơva.
TransContainer khai trương tuyến đường sắt trực tiếp đầu tiên từ Hà Nội đến Mátxcơva.

TransContainer cung cấp thiết bị của riêng mình, cũng như tổ chức vận chuyển qua lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc và Nga. Bên cạnh đó, công ty còn sẵn sàng cung cấp dịch vụ bảo quản hàng hóa trong kho, đóng hàng vào container, cũng như thông quan và bảo hiểm quốc tế tại Việt Nam.

"Đây là tuyến đường sắt trực tiếp đầu tiên của TransContainer từ Việt Nam đến Mátxcơva, tập trung vào việc vận chuyển trà, cà phê và quần áo để cung cấp cho các chuỗi bán lẻ... Chúng tôi dự kiến ​​sẽ vận hành ít nhất hai chuyến tàu container dọc theo tuyến đường này mỗi tháng" - Sputnik dẫn lời giám đốc phụ trách bán hàng và dịch vụ khách hàng của TransContainer, ông Nikita Pushkarev, cho biết.

TransContainer là công ty khai thác container đa phương thức của Nga với đội container lớn nhất Nga và toa xe thành thấp trên toàn bộ mạng lưới đường sắt tiêu chuẩn 1520. Đội tàu container gồm khoảng 100.000 chiếc, toa xe thành thấp với số lượng hơn 40.000 chiếc. Công ty sở hữu 37 ga đầu cuối đường sắt ở Nga, đồng thời quản lý các công ty con và liên doanh đối với 3 ga đầu cuối khác.