TP. Hồ Chí Minh khắc phục các vấn đề trong kết luận Kiểm toán Nhà nước năm 2017
Chiều 8/7, các Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) , Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) phối hợp tổ chức cuộc họp báo thông tin các vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về công tác quản lý ngân sách TPHCM năm 2017 đã được ban hành.
Thu hồi đầy đủ tiền theo quy định
Có 6 nội dung chính được đề cập và phản hồi thông tin tại buổi họp báo liên quan kết luận của KTNN năm 2017. Trong đó, thông tin cho biết, hầu hết kiến nghị trong kết luận kiểm toán đã được UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện, khắc phục.
Cụ thể, về vấn đề các khu đất trên địa bàn TPHCM do tổ chức, cá nhân đang sử dụng chưa được ký hợp đồng thuê đất, thu tiền. Đại diện Sở TT-TT TPHCM cho biết, Cục Thuế TP đang rà soát toàn bộ, phân loại, mời các đơn vị đến xác định thông tin nghĩa vụ tài chính. Đối với các khu đất do tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ nhận chuyển nhượng, mua bán thì không lập bộ thu tiền thuê đất và được loại khỏi danh sách. Đối với những hồ sơ đất cũ (từ năm 1977) có nhiều thay đổi, biến động hoặc không có đầy đủ thông tin pháp lý thì đang được Cục Thuế TP rà soát, thu thập, xác minh thực tế thông tin. Các trường hợp còn lại rà soát đúng, đơn vị đã nộp tiền thuế theo quy định.
Về vấn đề KTNN lưu ý Nghị quyết HĐND thông qua tổng dự toán kế hoạch đầu tư công nhưng không có danh mục dự án và số vốn đính kèm. Lãnh đạo TPHCM cho rằng, nghị quyết ban hành có dựa trên cơ sở danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đề xuất của Sở KH-ĐT TP, có căn cứ trên đề xuất của chủ đầu tư và ý kiến của các sở ngành liên quan. Sau kết luận, những năm sau đó việc này đã được khắc phục triệt để. Các năm gần đây, Nghị quyết HĐND đều thông qua kế hoạch vốn hàng năm, có danh mục dự án chi tiết và mức vốn bố trí cho từng dự án.
Việc Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV góp vốn bổ sung 33,6 tỷ đồng vào Công ty CP Vàng bạc - đá quý Bến Thành (BTJ), làm tăng số vốn nhà nước có khả năng bị thất thoát do BTJ tiếp tục kinh doanh bị lỗ, được lãnh đạo Sở Tài chính TP giải thích rằng, do BTJ đang trong quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển chuỗi kinh doanh, lại trùng thời điểm dịch Covid-19 nên dẫn đến thua lỗ, nhưng việc lỗ nằm trong kế hoạch. Giá trị cổ phiếu doanh nghiệp này đang phục hồi.
Việc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận chuyển nhượng 280 nền nhà tái định cư Khu dân cư Long Hậu từ năm 2006-2011, nhưng chưa ghi nhận doanh thu và kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; chậm ký hợp đồng chuyển nhượng và chậm thanh toán nhiều năm, thỏa thuận nguyên tắc không nêu rõ giá thanh toán phải theo sát giá thị trường; đã thanh toán đủ tiền nhận chuyển nhượng 214 nền nhà tái định cư tại Khu định cư số 04 - xã Phong Phú khi chủ đầu tư chưa hoàn thành việc đền bù, xây dựng hạ tầng; việc chuyển nhượng 50 nền đất ở thương mại Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thì ngay từ năm 2018, UBND TP đã chỉ đạo Thanh tra TP tổ chức thanh tra toàn diện Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, sau đó đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra, xử lý.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM và Thanh tra TP tổ chức thu hồi số tiền ứng trước cho Công ty TNHH Rungsucharoenkit Tunnelling (RJK - Thái Lan) 12 tỷ đồng vì không có biện pháp đảm bảo tài sản và không có giá trị dịch vụ cung cấp tương ứng để thanh toán.
Một số dự án trong Khu Công nghệ cao: Sẽ được làm rõ!
Các hoạt động liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM như việc xây dựng đơn giá thuê đất tính thiếu chi phí xây dựng đơn giá thuê trên cơ sở chi phí; ký hợp đồng cho thuê đất đối với Công ty Nidec Seimitsu với giá đất tính tiền thuê đất thấp hơn quy định của UBND TP và chấp thuận cho Công ty CP Dệt may Sài Gòn thực hiện dự án Công viên Thiên niên kỷ được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất phục vụ kinh doanh không đúng quy định.
Hiện Khu Công nghệ cao đang rà soát hồ sơ dự án và hồ sơ sử dụng đất của dự án Công viên Thiên niên kỷ để điều chỉnh, xử lý phù hợp quy định, sau đó sẽ có báo cáo UBND TP và KTNN. Còn trường hợp Công ty Nidec Seimitsu không đáp ứng tiêu chí về công nghệ cao, sẽ được báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế, tiền thuê đất đối với những trường hợp dự án không thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhưng được đầu tư vào Khu Công nghệ cao, để báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, còn có việc vay 1.000 tỷ đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển TPHCM, trả tiền lãi hơn 591 tỷ đồng cho dự án nhà lưu trú công nhân trong Khu Công nghệ cao. Lãnh đạo Sở Tài chính TP cho biết, do thời điểm đó ngân sách TP hạn hẹp nên phải dùng vốn vay, tuy nhiên, từ tháng 9-2015, ngân sách TP đã bố trí đủ vốn để trả hết nợ và lãi cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, có tình trạng Sở KH-ĐT TP cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 22 doanh nghiệp thuê nhà xưởng, văn phòng làm trụ sở và hoạt động trong Khu Công nghệ cao nhưng không đáp ứng điều kiện được hoạt động trong khu và không thông qua Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP, cho biết, theo Luật Doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp không phải nộp giấy tờ chứng minh địa điểm hoạt động mà do doanh nghiệp tự cam kết, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau đó sở sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý những trường hợp khai không đúng sự thật. Vấn đề hậu kiểm (quản lý sau phép), hiện TPHCM đã có quy chế phối hợp giữa các cơ quan để thanh tra, kiểm tra, nhưng đảm bảo không quá 1 lần/năm, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.