Hạn chế rủi ro kiểm toán khi thực hiện đối chiếu thuế
Hằng năm, khi thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực đều tiến hành kiểm toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó có nội dung đối chiếu thuế. Việc thực hiện nội dung này gặp không ít những khó khăn, đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định pháp luật để góp phần hạn chế rủi ro kiểm toán.
Khối lượng công việc lớn, rủi ro nhiều
Thông thường, các đoàn kiểm toán lựa chọn DN có rủi ro về kê khai thuế để trình kiểm toán trưởng phê duyệt đối chiếu thuế. Các DN này thường thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khoáng sản, tư vấn xây dựng… có doanh thu và chi phí lớn so với các DN cùng lĩnh vực trên địa bàn nhưng chưa được cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra trong năm ngân sách được kiểm toán. Việc lựa chọn các DN lớn thường có kết quả kiểm toán cao hơn so với các DN nhỏ nhưng lại phát sinh nhiều khó khăn khi thực hiện đối chiếu thuế.
Với mỗi DN, thời gian thực hiện đối chiếu thuế thường chỉ vài ngày (vì KTV còn phải kiểm toán việc điều hành thu NSNN của cơ quan thuế), lực lượng tham gia thường chỉ bố trí 2 KTV, trong khi số lượng hồ sơ, tài liệu có liên quan đến thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, doanh thu, chi phí, các nghiệp vụ hạch toán, kế toán rất nhiều. Bởi vậy, khối lượng công việc của KTV không hề nhỏ trong một thời gian ngắn.
Mặt khác, việc đối chiếu thuế thường diễn ra tại các trụ sở cơ quan thuế nên KTV gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, hồ sơ (DN ở xa trụ sở cơ quan thuế, khối lượng hồ sơ tài liệu nhiều, tinh thần và thái độ hợp tác của DN với tổ kiểm toán chưa cao…). Theo đó, hồ sơ, tài liệu của DN mà KTV thường tiếp cận để đối chiếu chỉ gồm: báo cáo tài chính năm, sổ cái, sổ chi tiết các loại, một số hồ sơ, chứng từ kế toán của các nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Bởi vậy, việc kiểm toán toàn bộ (100%) hồ sơ, chứng từ kế toán của các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh có liên quan đến thuế GTGT đầu vào, doanh thu, chi phí, lợi nhuận của DN trong một năm là không thể thực hiện được. Do đó, KTV bắt buộc phải lựa chọn các phần tử cụ thể theo quy định tại Chuẩn mực KTNN số 1500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính - để thực hiện việc đối chiếu.
Bên cạnh đó, do không thể kiểm toán toàn bộ các chứng từ kế toán kể trên nên KTV không thể biết các khoản này có thực sự phát sinh, đã kê khai, hạch toán kế toán chính xác, đầy đủ hay chưa. Điều này dẫn đến rủi ro cho KTV khi xác nhận số liệu toàn bộ doanh thu, chi phí theo số báo cáo của DN.
Chẳng hạn, doanh thu báo cáo của DN là 20 tỷ đồng, chi phí toàn bộ là 19 tỷ đồng được KTV xác nhận là số báo cáo của đơn vị; trong khi đó, KTV chỉ kiểm tra được các chứng từ có doanh thu 12 tỷ đồng, chiếm 60% doanh thu, các chứng từ chi phí 10 tỷ đồng, chiếm 52,6% chi phí kế toán. Hệ quả, có thể có những sai sót trọng yếu mà KTV chưa phát hiện ra.
Mặt khác, hiện nay, KTNN chưa ban hành Quy trình đối chiếu thuế cũng như phương pháp tiếp cận xác định rủi ro, đánh giá trọng yếu khi đối chiếu thuế, cho nên, KTV chưa có cơ sở, phương pháp lập kế hoạch và thực hiện đối chiếu để hạn chế rủi ro. Cùng với đó, vì không thể kiểm tra toàn bộ các chứng từ kế toán có liên quan, KTV đã giới hạn phạm vi đối chiếu để tránh rủi ro.
Việc giới hạn phạm vi kiểm toán những nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh nhưng không đối chiếu (ví dụ: doanh thu, chi phí quý II của năm kiểm toán; doanh thu, chi phí của công trình xây dựng…) lại vượt giới hạn được kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán phê duyệt trong Tờ trình xin đối chiếu thuế của tổ kiểm toán, dẫn đến không tuân thủ kế hoạch đối chiếu thuế được duyệt, đồng nghĩa với rủi ro kiểm toán cho KTV.
Thu thập đầy đủ thông tin, tuân thủ các nguyên tắc, quy định
Để hạn chế rủi ro kiểm toán, KTV nhà nước cần thực hiện một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, tuân thủ Luật KTNN, Hệ thống Chuẩn mực KTNN, các quy trình, quy chế có liên quan cũng như Luật Quản lý thuế, Luật và văn bản hướng dẫn thi hành đối với từng sắc thuế khi đối chiếu thuế.
Thứ hai, tuân thủ theo nguyên tắc “làm gì xác nhận đó”, nghĩa là đối chiếu các nghiệp vụ kinh tế tài chính nào thì xác nhận nghiệp vụ đó để làm bằng chứng cho công việc của KTV đã làm và chịu trách nhiệm đối với những việc đã đối chiếu. Việc xác nhận này cần được lập thành Phụ lục kèm theo Biên bản đối chiếu thuế, có chữ ký của tổ trưởng tổ kiểm toán, KTV cùng đại diện cơ quan thuế và DN.
Thứ ba, thu thập đầy đủ thông tin có liên quan đến thuế GTGT đầu vào, doanh thu, chi phí, các khoản thuế phải nộp, đã nộp của DN để nêu phạm vi, giới hạn đối chiếu khi lập Tờ trình trình kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán phê duyệt. Trường hợp trong quá trình đối chiếu nếu cần bổ sung phạm vi, giới hạn đối chiếu thì KTV báo cáo tổ trưởng tổ kiểm toán trình kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán phê duyệt điều chỉnh.
Cùng với đó, các KTNN khu vực, đoàn kiểm toán cần bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và thời gian hợp lý để thực hiện đối chiếu thuế. Đồng thời, KTNN cần xem xét, ban hành Quy trình đối chiếu thuế để tổ kiểm toán, KTV có căn cứ thực hiện, hạn chế thấp nhất các rủi ro cho KTV khi thực hiện đối chiếu thuế.