TP. Hồ Chí Minh mở rộng đô thị
TP. Hồ Chí MInh sẽ điều chỉnh quy hoạch toàn bộ ranh giới hành chính với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Quy hoạch tăng tính kết nối
Ngày 12/3, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, Sở vừa gửi UBND TP. Hồ Chí Minh nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình HĐND Thành phố tại kỳ họp sắp tới. Cụ thể TP. Hồ Chí MInh sẽ điều chỉnh quy hoạch toàn bộ ranh giới hành chính với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Mục tiêu trong lần điều chỉnh này là nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận; đồng thời, phát triển TP. Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao.
Đô thị TP. Hồ Chí Minh được phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo quy hoạch, dến năm 2040, dự kiến TP. Hồ Chí Minh có 13-14 triệu dân (tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu dân).
Về phân bổ dân cư, dự kiến khu vực nội thành cũ có 4,5-5 triệu người; TP. Thủ Đức có 1,9 triệu người (năm 2060 là 3 triệu người); khu nội thành phát triển có 2,2-2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 4,2-5,6 triệu dân (dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người); riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người.
Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000-110.000 ha. Trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha, khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha (bao gồm TP. Thủ Đức), và khu ngoại thành 50.000-60.000 ha.
Ngoài ra, quy mô đất đai xây dựng đô thị khoảng 100.000-110.000ha. Trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha, khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha (bao gồm TP. Thủ Đức) và khu ngoại thành khoảng 50.000-60.000 ha.
Dự kiến, đến năm 2040, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phưong lân cận, cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của Thành phố một cách chiến lược, hiệu quả.
Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hồ Chí Minh với diện tích 2.095km2 và 28,7km2 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Nghiên cứu cũng được lập dựa trên nghiên cứu gián tiếp ranh giới hành chính các tỉnh xung quanh thuộc vùng TP. Hồ Chí Minh (vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam) với diện tích 30.404km2, gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang.
TP. Hồ Chí Minh có tính chất là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế lớn nhất quốc gia về du lịch, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế biển, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng là trung tâm văn hoá, giáo dục đào taọ, khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Đông Nam bộ. Song song đó là đầu mối giao thông, hạ tầng quan trọng của vùng, quốc gia và quốc tế.
Đề xuất bổ sung quy hoạch các đường ven sông Sài Gòn
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần phải xác định trục phát triển đô thị đối với TP. Hồ Chí Minh trên cả bốn hướng, bao gồm hướng Đông (tTP. Thủ Ðức); hướng Nam ra biển.
Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh cần đảm bảo thực hiện phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới kết hợp với chỉnh trang tái phát triển đô thị đối với các khu vực đô thị hiện hữu.
Bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với Vũng Tàu, bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía đông từ TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh Kiên Giang (cửa biển Cần Giờ rộng 12 km), đồng thời cũng là điểm nhấn kiến trúc và là cầu cảnh quan, phục vụ du lịch.
Nghiên cứu bổ sung quy hoạch đường sắt chuyên dụng chở hàng hóa (trên cao), kết nối ga Sóng Thần - cảng Cát Lái - cảng Cái Mép Thị Vải - cảng Hiệp Phước, để tách dòng xe container, xe tải nặng di chuyển trong đô thị hiện nay.
Để TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh thì yếu tố giao thông hết sức quan trọng, vì thế ngoài quy hoạch giao thông đã được phê duyệt, HoREA cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch giao thông và đô thị theo hướng bổ sung quy hoạch các đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ 22, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Mộc Bài, quốc lộ 13, tỉnh lộ 8, để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, cả huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Ðức Hòa (Long An). Ngoài ra, HOREA cũng cho rằng, Thành phố nên có đề án chuyển đổi bốn trong số năm huyện thành quận trong 10 năm tới, nhưng không bao gồm huyện Cần Giờ...