TP. Hồ Chí Minh quyết giữ mức tăng trưởng hai con số trong bối cảnh mới

Lê Thu

Ngày 9/4, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đã chủ trì hội thảo khoa học chủ đề “Tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp… nhằm tìm ra các giải pháp phát triển kinh tế cho Thành phố trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Thu
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Thu

Năm nay TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10%, trong đó kinh tế số đóng góp trên 25%. Như vậy, sau 5 năm (từ năm 2019 đến nay), lần đầu tiên, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Quy mô GRDP của Thành phố vào cuối năm 2024 là 1,78 triệu tỷ đồng. Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 10% trong năm 2025, Thành phố cần nguồn vốn đầu tư khoảng 620.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công khoảng 110.000 tỷ đồng. Như vậy, Thành phố cần huy động thêm nguồn vốn trên 510.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, trong tuần qua, thế giới và Việt Nam hết sức bất ngờ trước việc Hoa Kỳ áp mức thuế cao đối với 60 nước, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu thuế cao nhất với 46%. Khi đó hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ giảm sức cạnh tranh, giá tăng cao.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của Thành phố và những kế hoạch của Thành phố trong năm 2025.

Theo ông Được, việc áp thuế cao từ Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% của Chính phủ đặt ra cũng như tốc độ phát triển của Thành phố. Qua hội thảo này, Thành phố mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học  và các nhà quản lý cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp cho Thành phố trong bối cảnh này.

“Thành phố rất cần sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đại biểu… đưa ra kịch bản kinh tế để Thành phố  vượt qua được thách thức. Thành phố luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu cao nhất các ý kiến của đại biểu để bổ sung cho định hướng phát triển của Thành phố nhằm đạt mục tiêu đề ra", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, duy trì mức xuất khẩu cao trong giai đoạn 2020 - 2024. Năm 2024, xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD- cao nhất trong 5 năm, trong khi nhập khẩu dao động từ 2,1 đến 3,0 tỷ USD, tạo thặng dư thương mại ổn định từ 4,1 đến 5,2 tỷ USD hằng năm.

Theo ông Huy, cán cân thương mại luôn dương và tỷ lệ thặng dư cao giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu của cả nước trong quan hệ với Hoa Kỳ. Năm 2024 cũng là bước ngoặt khi cả xuất và nhập khẩu cùng tăng, phản ánh nền kinh tế Thành phố ngày càng mở rộng và hội nhập sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong quý I/2025, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng vượt bậc với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 457.617 tỉ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh tập trung vào các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, đồ gỗ, nông sản; trong khi nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất. Thặng dư có xu hướng thu hẹp, điều này có thể giảm áp lực đối đầu thương mại từ phía Hoa Kỳ, đồng thời tạo cơ hội để Thành phố đẩy mạnh đàm phán thương mại, nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ kinh nghiệm với TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) đã nêu các giải pháp thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ cho Thành phố trong giai đoạn này....

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức đối với TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi, chuyển động rất nhanh chóng, đặc biệt chính quyền Hoa Kỳ vừa áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của TP. Hồ Chí Minh, nếu Hoa Kỳ áp mức thuế 46% áp lên hàng hóa xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh sẽ làm đội giá thành lên gần một nửa, khiến hàng hóa mất lợi thế cạnh tranh về giá so với nước khác không bị áp thuế.

Chính vì thế, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh thua lỗ. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh sang Hoa Kỳ dự kiến sụt giảm trong quý II và quý III/2025. Trường hợp mức thuế không thay đổi, các đối tác Hoa Kỳ có thể sẽ hoãn hoặc hủy đơn hàng từ doanh nghiệp TP.HCM vì lo ngại thuế làm giá tăng cao từ quý I/2026.

Từ thực tế trên, tại hội thảo, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng với các mức thuế dự kiến để cùng phân tích các giải pháp ứng phó. Kịch bản cho tăng trưởng thấp (bi quan nhất, mức thuế suất đối ứng giữ nguyên 46%); kịch bản đàm phán một phần và đạt mức thuế suất 25%; kịch bản căng thẳng thương mại được tháo gỡ sớm, mức thuế suất áp dụng là 5 - 15%./.