TPP bước vào chặng cuối
Đại diện 12 nước đang nhóm họp tại bang Hawaii, Mỹ để bàn về những chi tiết cuối cùng của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trưởng phái đoàn đàm phán các nước tham gia TPP đã gặp nhau từ ngày 24/7 trước khi cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính diễn ra từ ngày 28 đến 31/7 để tìm giải pháp cho những vấn đề tồn đọng.
Đây được xem là cơ hội cuối cùng để các nước đạt thỏa thuận về TPP trong năm nay trước khi Mỹ chính thức bước vào mùa bầu cử tổng thống năm 2016.
Các nước tham gia TPP gồm có Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru, Mỹ, chiếm 40% tổng GDP toàn cầu.
Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Koji Tsuruoka, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, nhận định quá trình này đang đi vào giai đoạn cuối nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết, như thuế và việc thiết lập quy tắc nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh các nước muốn bảo hộ những lĩnh vực nhạy cảm về chính trị.
Cho đến nay, Washington kêu gọi Tokyo tăng nhập khẩu gạo từ Mỹ thêm 200.000 tấn/năm nhưng Nhật Bản đề xuất chỉ tăng thêm 50.000 tấn/năm. Trong khi đó, Nhật Bản lại muốn Mỹ dỡ bỏ thuế quan đối với phụ tùng ô tô và nhập khẩu thêm thịt bò của mình.
Tokyo còn giữ nguyên quan điểm duy trì thuế quan đặc biệt đối với những nông sản “nhạy cảm” để bảo vệ nông dân trong nước trước hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn, như gạo, lúa mì, thịt bò và thịt heo, các sản phẩm bơ sữa và đường.
Ngoài Nhật, Mỹ vẫn còn vướng mắc với Australia và một số nền kinh tế châu Á mới nổi về thời gian bảo hộ dữ liệu các loại thuốc mới. Một thách thức không nhỏ khác là tranh cãi về thị trường bơ sữa và gia cầm đang được bảo hộ của Canada.
Thúc đẩy đàm phán về TPP, Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ra mục tiêu kép khi vừa mở rộng thương mại với các đồng minh vừa củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực giữa lúc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế.
Ông Edward Alden, một chuyên gia về chính sách thương mại thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, cho rằng TPP có thể trở thành một khối thương mại cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc hoặc chí ít cũng khiến nước này hành xử tốt hơn.
Sau khi TPP được hoàn tất, thuế quan và những rào cản thương mại giữa các nước thành viên sẽ được cắt giảm đáng kể, điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho trao đổi thương mại nội khối.
Cụ thể, các nhà xuất khẩu nông sản, thịt heo, thịt bò ở Mỹ được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường Nhật Bản nhiều hơn. Đổi lại, Washington sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ, mang lại lợi ích cho những nhà sản xuất xe hơi của Tokyo.
Tuy nhiên, nếu vòng đàm phán ở Hawaii kết thúc mà không đạt kết quả đột phá, các cuộc đàm phán kế tiếp có nguy cơ kéo dài đến năm 2017 hoặc lâu hơn. Tờ The Economist thừa nhận không dễ để đánh giá chính xác lợi ích của TPP lúc này, một phần vì nội dung đàm phán vẫn được giữ bí mật.