Nikkei Asian Review:

Đầu tư nước ngoài đang đổ đến Việt Nam

Theo nhandan.com.vn

Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản mới đây có bài viết đánh giá, Việt Nam đang tỏ rõ lợi thế cạnh tranh để trở thành một trung tâm xuất khẩu toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, trong đó có cả các công ty dệt may đến từ Nhật Bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Nikkei Asian Review, nhiều doanh nghiệp tin rằng thỏa thuận TPP mà Việt Nam là một thành viên được thông qua, đang thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tại quốc gia Đông Nam Á này nhằm gia tăng các đơn hàng sang Mỹ.

Đối với các công ty dệt may, kỹ năng tuyệt vời của người Việt Nam là một điểm mạnh lớn, kể cả khi giá nhân công cao hơn ở Bangladesh và Myanmar, Tờ của Nhật Bản nhận định.

Kuraray Trading, nhà sản xuất sợi tổng hợp Kuraray đặt cơ sở ở Osaka sẽ đầu tư khoảng 2,51 triệu USD để thiết lập thêm một dây chuyền sản xuất đồ thể thao tại TP Đà Nẵng - trung tâm thương mại của cả vùng duyên hải miền Trung Việt Nam. Dự kiến, nhá máy sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 7 tới.

Công ty sản xuất đồ thể thao này sẽ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật và xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, khối lượng công việc tại Việt Nam sẽ được nâng từ 55% hiện nay lên chiếm hơn 60% tổng công suất của Kuraray.

Công ty cũng đang xem xét đầu tư thêm hàng tỷ yen vào các hoạt động dệt may như dệt và nhuộm tại khu vực TP Hồ Chí Minh.

Itochu, một tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam rất sớm để đón đầu TPP. Năm 2014, doanh nghiệp này đã xây dựng một nhà máy dệt may ở đây, với công suất 500 nghìn mét vải/tháng. Itochu cũng sản xuất áo sơ mi ở nhà máy này, với những nhãn mác khác nhau để xuất khẩu sang Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Tập đoàn công nghiệp sợi Toray gần đây đã tăng cường sản xuất tại cơ sở may Chori đặt tại TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm Chori sẽ được xuất khẩu đi Mỹ và các thị trường khác. Để mở rộng và tăng cường năng lực sản xuất cho nhà máy, Toray cũng đang tiến hành tuyển dụng những lao động có tay nghề cao từ khắp Đông Nam Á.

Hãng sản xuất sợi cotton của Nhật Bản Shikibo cũng đang có kế hoạch giảm sản xuất ở Trung Quốc và tăng sản lượng dệt may cho nhà máy đối tác đặt tại Việt Nam và sẽ sớm sản xuất thêm các sản phẩm chăn, ga, gối.

Có thể thấy xu hướng “nam tiến” của các doanh nghiệp dệt may Nhật Bản sẽ trở thành một mô hình kinh doanh mới, có thể giúp cơ cấu lại ngành công nghiệp đang bị suy giảm này.

Nikkei Asian Review cho biết, các công ty trong những lĩnh vực sản xuất khác của Nhật Bản cũng đang có bước dịch chuyển tương tự. Nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Rhythm Watch cũng là một ví dụ. Công ty này sẽ chuyển sản xuất đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện tại, Mỹ đang áp thuế nhập khẩu 7% cho đồng hồ nguyên chiếc.

Tờ báo Nhật Bản nhận định, có lẽ lý do lớn nhất khiến các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam là do giá lao động thấp, chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.

Năm ngoái, Việt Nam bắt đầu cho phép người nước ngoài được sở hữu tài sản trong 100 năm, cũng như cho nắm giữ 100% cổ phần ở các công ty đại chúng bản địa, thay vì hạn chế 49% như trước đây.

Ngoài việc trở thành thành viên của Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam cũng đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.