Chớp cơ hội dịch chuyển vốn ngoại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam đang có nhiều thời cơ mới nhằm tăng hút vốn FDI, nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc chưa dừng suy thoái. Nhưng để nâng hiệu quả vốn ngoại, tăng nội lực nền kinh tế nội địa đòi hỏi cần hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mặc dù có tâm lý lo lắng kinh tế Trung Quốc đang đi xuống sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam nhất là xuất nhập khẩu, nhưng gần đây chuyên gia của ngân hàng ANZ lại nhìn nhận Việt Nam cùng với Malaysia, Philippines là những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi sự suy thoái này.

“Đón sóng” từ suy thoái

Không những vậy, nhận định của giới quan sát kinh tế cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái trong tháng đầu năm 2016 là chỉ dấu để các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam nhằm tận dụng tiềm năng tăng trưởng cao, giá nhân công rẻ hơn và đón đầu cơ hội từ TPP cùng hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục được ký kết và có hiệu lực.

Đơn cử gần đây đã có nhiều doanh nghiệp (DN) của Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Hoặc đang có xu hướng ồ ạt dịch chuyển của DN Mỹ ra khỏi Trung Quốc để đầu tư sang các quốc gia phát triển khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Lý giải vấn đề này, ông Man Kon Kim, chuyên gia Hàn Quốc của Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng có bốn lý do cơ bản.

Thứ nhất là tỷ giá đồng Nhân dân tệ rất khó dự đoán so với đồng tiền của Việt Nam. Thứ hai là chi phí sản xuất, chi phí điện nước, chi phí gia công ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc, trong khi đó, cơ cấu dân số trẻ, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo tốt.

Thứ ba là mức độ can thiệp của Chính phủ và chính quyền ở Trung Quốc đối với các DN Hàn Quốc rất lớn. Ở Trung Quốc, các DN của Hàn Quốc bị kiểm soát rất nhiều, còn ở Việt Nam, DN của Hàn Quốc không bị đối xử như vậy.

Thứ tư, tuy là ở góc độ cảm tính, nhưng khi có chuyện gì xảy ra, Trung Quốc luôn cho họ là quan trọng hơn nên mọi thiệt thòi dường như DN Hàn Quốc phải gánh lấy. Còn ở Việt Nam, nếu có chuyện gì xảy ra, hai bên sẽ ngồi lại cùng nhau để giải quyết một cách thỏa đáng, nên DN Hàn có cảm giác an tâm và hài lòng hơn.

Không chỉ tại Trung Quốc, ngay Thái Lan cũng đang e ngại trước làn sóng nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường này và sang Việt Nam. Gần đây một số tập đoàn lớn ở Thái đã quyết định chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng chi phí nhân công rẻ, dịch vụ vận tải thấp và để đón sóng TPP.

Hút vốn chất lượng cao

Theo các chuyên gia, TPP sẽ làm tăng thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu, kể cả các nhà cung cấp thượng nguồn cho các ngành hiện đang bị chi phối bởi quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ.

Số liệu thống kê trong năm 2015 vừa qua cho thấy vốn FDI đã đăng ký đạt 23,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước đó. Trong đó, vốn đăng ký ngành chế biến sản xuất đạt 15,23 tỷ USD, tăng 66,9% so với năm 2014 và đã giải ngân 14,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn điển hình từ lĩnh vực dệt may, đa phần doanh nghiệp FDI là công ty toàn cầu, có xu hướng đầu tư khép kín từ kéo sợi đến thành phẩm, các công đoạn thiết kế, phân phối do công ty mẹ đảm nhận.

Theo giới chuyên gia, xu thế này gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Nhất là nguồn cung có khả năng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của doanh nghiệp và sẽ tạo cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu theo yêu cầu xuất xứ.

Mặc dù vậy, việc vận động các DN FDI có chất lượng cao để rót vốn đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay vẫn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh.

Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư FDI, dựa trên 3 trụ cột: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất.

Để nâng cao hiệu quả thu hút FDI, xu hướng thời gian tới sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn… để áp dụng vào thực tế tăng tiềm lực nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia, dù đã định hướng lại trong việc thu hút FDI như hiện nay, nhất là thu hút ở những lĩnh vực chúng ta cần và còn yếu, thế nhưng việc định hướng này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong việc ưu đãi cho doanh nghiệp FDI thì cũng cần có điều kiện về chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất… Đây là những vấn đề còn chưa có quy định rõ ràng, nhất là lâu nay Việt Nam thiếu tầm nhìn xa về hút vốn FDI, vốn mới chỉ nhắm đến đầu vào.