TPP tạo xung lực phát triển kinh tế đối ngoại

TS.Nguyễn Minh Phong

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là sự kiện đặc biệt trong hội nhập quốc tế của Việt Nam sau sự kiện trở thành thành viên WTO. Hiệp định này sẽ tạo xung lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại cả bề rộng và bề sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TPP khi có hiệu lực (sớm nhất là vào quý I/2016) sẽ không chỉ làm giảm hơn 90% các dòng thuế về 0% ngay lập tức, 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong thời gian không quá 10 năm, mà còn là cam kết sâu bao gồm 22 lĩnh vực, nới lỏng đầu tư quốc tế và dòng chảy tự do của các nguồn lực, tạo môi trường chất lượng cao nhất và những chuỗi cung ứng mới, thuận lợi hơn nữa, mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia; giúp tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa các đối tác trong khu vực.

Với Việt Nam, tham gia TPP là sự kiện lịch sử đặc biệt trong hội nhập quốc tế sau sự kiện là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới.

TPP sẽ tạo xung lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả bề rộng và bề sâu; đem lại nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và hàng điện tử, điện thoại…, với hàng chục triệu lao động.

Bên cạnh đó, TPP giúp các doanh nghiệp thêm cơ hội được đối xử công bằng, cạnh tranh bình đẳng và tự do đầu tư kinh doanh, nhập khẩu công nghệ thích hợp; dịch chuyển lao động tham gia các hoạt động khác trên thị trường 12 nước thành viên theo khuôn khổ các cam kết…

Tuy nhiên, thách thức cũng nhiều hơn về môi trường và sở hữu trí tuệ, áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà và trong chính những ngành mà Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời, như chăn nuôi và trồng trọt nông sản. Ngoài ra áp lực bất ổn kinh tế-tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như áp lực việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong nước có thể gia tăng…

Vì vậy, tham gia TPP đòi hỏi chúng ta cần có bứt phá mạnh và nhanh hơn về cả nhận thức và nền tảng pháp lý cho phát triển nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; chú ý bảo đảm sự đồng bộ và phối hợp các chính sách, cơ quan quản lý và hài hòa tính hai mặt của chính sách, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và sở hữu tài sản hợp pháp, tạo thuận lợi kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Từng bước hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, đồng thời có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Phối hợp hài hòa bàn tay thị trường và bàn tay Nhà nước; tăng cường công tác giám sát, phản biện, bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị và xã hội, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, giữ vững độc lập, tự chủ.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường sống; cải cách quản lý DNNN, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước pháp quyền; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu.

Kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và tỉ giá, dự trữ ngoại hối, quản lý chất lượng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin, ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả…/.