TPP và cơ hội trở thành công xưởng chế biến thủy sản
Với 612 nhà máy chế biến thủy sản cho công suất 3 triệu tấn/năm, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) triển khai, thuế nhập khẩu giảm, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành địa chỉ chế biến, gia công sản phẩm thủy sản lớn cho các nước trong khối và thế giới.
Cánh cửa thị trường TPP rộng mở
10 năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản và chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cótốc độ tăng trưởng bình quântừ 16-18%/năm, đưa nước ta đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản, sau Trung Quốc, Ấn Độ và thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản, sau Trung Quốc, Na Uy và Thái Lan.
Với sự tăng trưởng trên, khi Việt Nam tham gia TPP,ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, ngành thủy sảnsẽ cócơ hội tăng khả năng tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng. Kéo theo đó là cơ hội trở thành địa chỉ chế biến, gia công sản phẩm thủy sản lớn của thế giới. Hội nhập còn đón nhận cơ hội tăng nguồn lực đầu tư, công nghệ mới cho nuôi trồng thủy sản; tăng năng suất lao động và cơ hội thuê mướn lao động trình độ cao. Bởi 11 đối tác của Việt Nam trong TPP đồng thời là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang 11 thị trường này đạt trên 3 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường lớn của thủy sản trong nước.
Ông Trương Đình Hòe cho biết, đối với thị trường Hoa Kỳ, khi TPP có hiệu lực, các sản phẩm tôm tươi và đông lạnh sẽ được áp thuế 0%. Theođó,tôm Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với 6 nước cạnh tranh chính là Agentina, Ecuado, Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines và Indonesia khi 6 nước này không có FTA với Hoa kỳ.
Đối với thị trường Nhật Bản, khi Hiệp định TPP được triển khai, tất cả các sản phẩm tôm tươi và đông lạnh sẽ có thuế 0%. Khi đó, tôm Việt Nam sẽ có lợi thế hơn Agentina, Ecuado và Ấn Độ khi 3 nước này không có FTA với Nhật Bản. Ngoài ra, lợi thế cộng gộp TPP, chúng ta sẽ hơn các nước Thái Lan, Philipines và Indonesia dù 3 nước này đã có cả FTA song phương và đa phương ASEAN với Nhật Bản. Điều này là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, đặc biệt là xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản, bởi trước đây thuế suất của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt, theo ông Trương Đình Hòe, với 461/612 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đạt điều kiện xuất sang châu Âu, Việt Nam nằm trong Top đầu những nước có các nhà máy chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản sang các nước phát triển. Hiện tại, năng lực chế biến thủy sản trong nước có thể đạt 3 triệu tấn sản phẩm/năm, khi TPP triển khai, thuế nhập khẩu giảm, chúng ta còn dư địa lớn để trở thành địa chỉ chế biến, gia công sản phẩm thủy sản cho các nước có nhu cầu; chúng ta có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong TPP và xuất khẩu nội khối.
“Hơn nữa, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về gia công thủy sản cho nhiều thị trường, nhưng tác động của TPP và một số vấn đề khác, sẽ có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác có điều kiện sản xuất và lao động thuận lợi hơn, trong đó Việt Nam đang có lợi thế để được lựa chọn”, ông Trương Đình Hòe dự báo.
Phát triển nguồn nhân lực đại dương chất lượng cao
Theo TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, quá trình hội nhập TPP và bối cảnh nghề cá phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi chúng ta cần phải phát triển nghề cá với tính chất công nghiệp. Bao gồm sự phát triển đi vào chiều sâu, chú trọng vào chất lượng, giá trị gia tăng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu chúng ta cứ dựa vào quảng canh, dựa vào diện tích không gian thì khó phát triển.
Song song với đó, tham gia TPP, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, hàng rào kỹ thuật, bảo hộ thương mại bao gồmcác nội dung về kháng sinh, hóa chất, kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp... sẽ gia tăng và ngày càng tinh vi, khắt khe hơn. Ngay trong quá trình đánh bắt, nếu công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sau thu hoạch của chúng ta không tốt thì sẽ kéo theo năng suất lao động thấp. Chưa kể, hiện Hoa Kỳ và EU đang áp dụng quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đòi hỏi truy suất nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm.
Cũng theo TS Nguyễn Chu Hồi, hội nhập cũng cho thấy thách thức từ chính bản thân nghề cá nước ta cần phải đổi mới để phát triển. Trong đó, nguồn nhân lực nghề cá rất quan trọng, đây là vấn đề mang tính quyết định đến sự phát triển của ngành thủy sản, kể cả nhân lực quản lý đến nhân lực doanh nghiệp, nhân lực lao động ngành. Do đó, cần phải có kế hoạch đào tạo bài bản.
Phát triển ngành thủy sản cũng cần thấy rõ vai trò quan trọng của công nghệ trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và bảo quản. Cần phát triển nghề cá dựa vào bảo tồn thiên nhiên, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm thay vì tăng sản lượng khai thác. Để làm sao vừa có của ăn, của để. Khi đó, dân mới có chỗ dựa sinh kế lâu dài.
Ông Trương Đình Hòe mong muốn tới đây, Nhà nước cần hỗ trợ ngành thủy sản hội nhập TPP theo hướng xây dựng các chương trình phát triển ngành hàng; tập trung các chính sách và giải pháp tổ chức sản xuất theo kinh tế thị trường. Đồng thời, tích cực hỗ trợ xử lý các tranh chấp trực tiếp nhằm thúc đẩy xuất khẩu khi tham gia TPP. Bao gồm việc đối phó với những tranh chấp thương mại, xử lý những vấn đề phi thương mại, xử lý những vấn đề khi các đối tác đã ký FTA không tuân thủ các cam kết đã ký.
Chúng ta có thể chấp nhận 5 năm đầu hưởng lợi những thành quả tự nhiên từ hội nhập mang lại. Nhưng 5 năm sau, không có nguồn nhân lực đại dương chất lượng cao, trong khi tất cả các quyền lợi, lợi thế ngang bằng, thì rất khó để chúng ta giành được lợi thế cạnh tranh. - TS Nguyễn Chu Hồi