Việt Nam ở vị thế xuất siêu tại 7/11 thị trường của TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cú huých mạnh để nâng cao kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm công nghiệp (CN) của Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, cần tối ưu hóa được những cơ hội từ hội nhập để hướng đến tăng trưởng XK một cách bền vững.
Đây là nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam”, tổ chức ngày 1/3, tại Hà Nội.
Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho biết, trong quan hệ thương mại với các nước TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn, tới 7/11 thị trường của TPP. Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0%, là cú huých mạnh để cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa và nâng cao kim ngạch XK.
Theo đó, khi tham gia TPP, dự kiến XK của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỷ USD hay 28,4% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Trong đó, một số mặt hàng XK chủ lực có cơ hội tăng trưởng XK lớn, đơn cử, TPP dự kiến giúp kim ngạch XK may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025…
Bên cạnh đó, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành, từ đó các sản phẩm CN có thể sản xuất và XKtrở nên đa dạng hơn cả về chủng loại và chất lượng.
“Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Microsoft, LG... đã đầu tư mạnh vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để gia tăng XK các sản phẩm CN công nghệ cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, quá trình hội nhập sẽ thúc đẩy nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong đó chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực CN, cũng được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng XK sản phẩm CN.
Ông Hải cho biết, hiện nay nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó CN chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 10.697 dự án còn hiệu lực, chiếm đến 53,6%dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề phát triển ngành CN Việt Nam và động lực thúc đẩy tăng trưởng XK sản phẩm CN…
Hướng đến tăng trưởng bền vững xuất khẩu
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, quá trình hội nhập, bên cạnh những tác động tích cực còn có nhiều thách thức lớn gây khó khăn cho XK bền vững sản phẩm CN.
Cụ thể, tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội với Việt Nam, cũng như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giả rẻ ồ ạt vào thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, mặc dù XK tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng XK chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu XK hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất... XK chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa… trở nên yếu.
Ngoài ra, quy mô doanh nghiệp XK nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối, chính khiến hoạt động XK trở nên không bền vững, doanh nghiệp không có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để hoạt động XK sản phẩm CN tăng trưởng bền vững, theo các chuyên gia tại hội thảo, thời gian tới, cả các bộ ngành và doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, về phía các cơ quan nhà nước, cần xác định một số ngành CN chủ lực để tiếp tục tạo điều kiện phát triển, mặt khác, đa dạng hóa mặt hàng, thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng, thị trường cụ thể. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp….
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH General Motors Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nâng trình độ gia công lên những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác….