Trắc nghiệm ngoại giao của Bình Nhưỡng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhận lời mời thăm Liên bang Nga của Tổng thống Vladimir Putin nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đây sẽ là cuộc “thử lửa ngoại giao” đầu tiên của ông Kim Jong-un sau 3 năm cầm quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 28/1 vừa qua, điện Kremlin xác nhận ông Kim Jong-un đã nhận lời mời tham dự các sự kiện lớn sắp tới tại Nga. Trong số khách mời còn có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Nga vì hồ sơ Ukraine, Tổng thống Mỹ có thể sẽ từ chối, còn lãnh đạo Hàn Quốc - vốn được Bình Nhưỡng xem là kẻ thù - vẫn chưa trả lời dứt khoát.

Nếu diễn ra đúng kế hoạch, ngày 9/5 tới ông Kim Jong-un sẽ tham dự lễ duyệt binh tại Thủ đô Moscow nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức. Đây sẽ là sự kiện quan trọng đối với Bình Nhưỡng. Vào thời điểm đó, nhiều nhân vật quan trọng có ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới sẽ có mặt tại Nga, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đồng minh chính yếu của chế độ khép kín ở Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, mọi cuộc gặp gỡ giữa ông Kim Jong-un với các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ có ý nghĩa biểu tượng. Hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của yếu nhân đến từ phương Bắc. Còn đối với Trung Quốc, quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh có vẻ lạnh nhạt. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc đã đi thăm Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) thay vì sang Bình Nhưỡng như thông lệ.

Theo nghi lễ ngoại giao, Tổng thống Nga sẽ tiếp khách mời Kim Jong-un, nhưng không rõ nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng có diện kiến Chủ tịch Trung Quốc hoặc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có muốn gặp cháu nội cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tại Thủ đô nước Nga hay không?

Giới phân tích có những nhận định khác nhau về lý do thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận lời mời sang thăm Nga lần này, trong khi suốt 3 năm qua không ra nước ngoài. Một số nhà bình luận đưa ra giả thuyết, ông Kim Jong-un tự thấy chưa đủ bản lĩnh trên trường quốc tế nên tập trung giải quyết tình hình nội bộ trước. Một số khác thì nghĩ rằng ông Kim Jong-un thủ tang ba năm nên không đi công du.

Trên thực tế, trong 20 năm qua, hoạt động ngoại giao chính thức của Triều Tiên tập trung vào ba nước là Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ bị coi là kẻ thù, còn Trung Quốc là đồng minh. Chính sách của Triều Tiên đối với ba nước này đều chịu sự chỉ đạo của những nhiệm vụ giống nhau: thứ nhất, ngoại giao của Triều Tiên cố gắng bảo đảm an ninh của đất nước; thứ hai, để phát triển những mối quan hệ kinh tế thuận lợi cho Triều Tiên không chỉ về thương mại thông thường mà cả sự viện trợ. Song, gần đây ngoại giao của Triều Tiên đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng với cả ba quốc gia này.

Triều Tiên đang tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ. Bất chấp những lời thù địch trên báo chí trong nước, Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì mối quan hệ không chính thức với Washington. Tuy nhiên, giới chức Triều Tiên luôn ý thức một sự thực là sẽ không có viễn cảnh Mỹ thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về Triều Tiên. Lập trường của Washington rất dứt khoát: điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ của Mỹ với Triều Tiên là Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, đối với Triều Tiên, đây là đòi hỏi tuyệt đối không thể chấp nhận.

Trong khi đó, quan hệ của Triều Tiên với Hàn Quốc xấu đi nhiều từ năm 2008. Đã từng có hy vọng rằng sau khi Tổng thống Park Geun-hye lên nắm quyền, quan hệ liên Triều sẽ được bình thường hóa, nhưng có vẻ những mong đợi ấy không được đáp ứng. Khó có thể nói ai gánh trách nhiệm lớn hơn khi chiến tranh lạnh giữa hai miền Triều Tiên vẫn tiếp diễn, nhưng có một thực tế là Bình Nhưỡng hoặc không muốn, hoặc không thể thiết lập mối quan hệ kinh tế tích cực với Seoul.

Với Trung Quốc, quan hệ gần đây đã trở nên kém thân thiện so với trước. Sự kiện đáng chú ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên đã đến Seoul chứ không phải Bình Nhưỡng. Bằng chứng mới nhất cho sự rạn nứt quan hệ song phương này là mới đây một số phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc đăng lại thông tin của truyền thông nước ngoài về việc Trung Quốc bắt giữ một số người Triều Tiên chạy trốn, và sau đó lại thả.

Trong bối cảnh này, việc Bình Nhưỡng cố gắng tìm kiếm những đối tác mới và nhà tài trợ mới là điều hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, chuyến công du Nga vào tháng 5 tới có thể xem là một động thái của Bình Nhưỡng muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi Moscow liên tục bắn tín hiệu muốn trợ giúp Triều Tiên thông qua dự án xây dựng đường xe lửa để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên trị giá 20 tỷ USD.

Theo giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Kookmin, Seoul, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ theo gương ông nội, trong hai thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, muốn dựa vào Nga sau khi không nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Triều Tiên từng tìm cách để cải thiện quan hệ với Nga.

Từ khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên luôn phải gồng mình để duy trì nền kinh tế và phụ thuộc nhiều vào thương mại và sự hỗ trợ từ đồng minh Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên càng khiến cho nước này bị cô lập, vì thế Bình Nhưỡng lo ngại sẽ ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Quan hệ tốt hơn với Nga có thể mang lại cú hích cho nền kinh tế Triều Tiên, tạo ra đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc và tạo lập vị thế chắc chắn hơn trước phương Tây tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đối với nỗ lực do Mỹ khởi xướng nhằm cô lập Bình Nhưỡng vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Vì thế, chuyến công du Nga sắp tới được coi là phép thử ngoại giao đối với chính quyền Kim Jong-un.