Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với môi trường không khí (MTKK), trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (DN) là nghĩa vụ pháp lý và tự nguyện mà DN thực hiện để phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến MTKK trong quá trình hoạt động.

Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường, do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia ô nhiễm MTKK hàng đầu châu Á, trong đó đáng kể nhất với ô nhiễm bụi PM 10 và PM 2.5. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được xem là nguyên chính làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.
Việt Nam đã đưa ra rất nhiều các chính sách, pháp luật cụ thể để ngăn ngừa ô nhiễm không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của người dân. Trong đó, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã nêu rõ: Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao hơn nữa vai trò người dân, DN là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.
Trách nhiệm xã hội của DN đối với bảo vệ MTKK được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm 2 nhóm, đó là: Phòng ngừa ô nhiễm môi trường và Giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Phòng ngừa ô nhiễm môi trường là nguyên tắc được ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ môi trường và phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm MTKK phát sinh trong quá trình hoạt động của mình, các DN phải thực hiện một số nghĩa vụ cơ bản sau:
- Quản lý khí thải: DN phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải, thu gom và xử lý bụi, khí thải và mùi khó chịu, bảo đảm không để rò rỉ và phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, và bức xạ nhiệt; bố trí nhân sự phụ trách về BVMT được đào tạo chuyên ngành môi trường; có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận.
- Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường và bảo đảm nguồn lực và trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố MTKK.
- Truyền thông nâng cao nhận thức cho người lao động về tác hại của các nguồn phát sinh chất thải và bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh khi tham gia vào sản xuất.
Bên cạnh đó, thực hiện trách nhiệm giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trước hết sẽ góp phần đảm bảo các điều kiện an toàn cho hoạt động của chính DN và trách nhiệm của DN đối với BVMT sống của cộng đồng. Vấn đề này được quy định trong một số văn bản pháp luật như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010, Luật BVMT 2014, Luật Khí tượng thủy văn 2015…, và được điều chỉnh trong Luật BVMT 2020.
Việc hiểu rõ tác hại của ô nhiễm MTKK do hoạt động sản xuất, đề xuất và thực hiện các giải pháp quản lý môi trường là nhiệm vụ của DN. Trong đó, các vấn đề dưới đây được coi như những điều kiện thiết yếu đối với hoạt động của DN:
- Lãnh đạo DN nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý môi trường, từ đó xây dựng phương châm quản lý MTKK trong toàn DN.
- Lãnh đạo DN đầu tư các thiết bị kiểm soát ô nhiễm MTKK, đồng thời, bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách và thực hiện nhiệm vụ kiểm soát MTKK.
- Mọi thành viên của DN cần nhận thức đúng về rủi ro ô nhiễm MTKK và có kế hoạch để phòng chống ô nhiễm MTKK.
- Khi xuất hiện các hiện tượng gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát MTKK, cần nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tìm ra nguyên nhân và xác định phương châm phòng chống.
- Thường xuyên đối thoại với cơ quan quản lý địa phương và cộng đồng cư dân sở tại, thông báo về các hoạt động phòng chống ô nhiềm môi trường, trong đó có MTKK, từ đó xây dựng quan hệ tin tưởng lẫn nhau.
Về quan trắc, giám sát và quản lý nguồn thải gây ô nhiễm MTKK, các cơ sở sản xuất có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quan trắc khí thải và giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm MTKK, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
DN có nghĩa vụ bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo dựng hình ảnh tích cực cho DN trong mắt công chúng.