“Trái ngọt đầu mùa” dự báo năm “bội thu”
Đến thời điểm này, hàng loạt ngân hàng đã hé mở con số lợi nhuận trong quý I/2018 với mức tăng trưởng trung bình 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đang bước vào cao điểm và kết quả lợi nhuận mà một số nhà băng đưa ra đã gây ấn tượng mạnh với cổ đông và thị trường.
Dù chưa chính thức công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I, nhưng tại ĐHCĐ thường niên 2018, MB hé lộ kết quả kinh doanh trong quý đầu năm với con số ấn tượng.
Theo đó, doanh thu đạt 3.500 - 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2017. Các chỉ tiêu khác trong 3 tháng đều tăng trưởng tối thiểu 35% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng loạt báo lãi lớn
Cũng có con số lợi nhuận quý I/2018 tăng trưởng đột biến là VIB. Thông tin tại ĐHCĐ, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, cho biết lợi nhuận quý I của VIB ước đạt 500 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ chi phí huy động/doanh thu (CIR) quý này đã giảm còn 52%, cải thiện dần qua từng năm từ mức 62% năm 2016 xuống 57% năm 2017. Tín dụng trong quý I đã tăng 13%, trong khi room tín dụng hiện được cấp là 14%, nợ xấu quý I là 162 tỷ đồng.
Đặc biệt, ông Vỹ cho biết trong quý I/2018, mảng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng khoảng 13% trong khi thị trường Hà Nội chỉ tăng khoảng 2%. Do đó đã đẩy lợi nhuận của VIB tăng cao.
Trước VIB và MB, OCB cũng đã tổ chức kỳ ĐHCĐ 2018. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho biết riêng trong quý I, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 30% kế hoạch năm.
Còn LienVietPostBank cũng hé lộ lợi nhuận quý I ước đạt hơn 500 tỷ đồng, hoàn thành 28% kế hoạch cả năm và tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Huy động kênh ngân hàng đạt 7.000 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý I, công ty Chứng khoán SSI cho rằng thị trường có nhiều thuận lợi, chất lượng tín dụng được cải thiện, cho vay tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng cao, lãi suất cho vay ổn định, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, qua đó ngân hàng được hoàn nhập dự phòng rủi ro, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trên đà tăng trưởng.
Từ những đánh giá trên, SSI dự báo những thuận lợi từ tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng ngay từ đầu năm sẽ tạo đà cho những tháng tiếp theo.
Đặc biệt, với 14 nhà băng đang niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, HDBank, Eximbank, MBBank, Sacombank, ACB, SHB, NCB, VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank) sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 32,9% trong năm 2018.
Đón “sóng” kỷ lục lợi nhuận cuối năm
Thuận lợi ngay từ đầu năm, các ngân hàng cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ cho cả năm 2018.
Theo đó, mở màn cho mùa ĐHCĐ của khối ngân hàng, Techcombank trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận lên tới 10.000 tỷ đồng trước thuế. Kế tiếp, ĐHCĐ VPBank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2018 lên tới 10.800 tỷ đồng trước thuế.
MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước; trong đó riêng ngân hàng mẹ là 6.500 tỷ đồng, tăng 21%.
Lãnh đạo MB cho biết kế hoạch này chưa tính đến các thu nhập từ hoạt động thoái vốn tại MBLand. MBB sẽ phải thoái toàn bộ 100% vốn tại MBLand trên cơ sở đấu giá công khai.
Còn VIB đặt mục tiêu năm 2018 sẽ tăng lợi nhuận trước thuế lên 2.005 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2017 đạt 1.405 tỷ đồng. Riêng về huy động vốn khách hàng và tín dụng nếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt bổ sung, VIB sẽ điều chỉnh tăng 20% và 25%, cao hơn so với kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt ban đầu là 14%.
OCB cũng đưa ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2018 đầy tham vọng, tăng gấp đôi so với năm trước, lên đến 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 115.700 tỷ đồng, tăng trưởng 37%; huy động vốn tăng 36% lên 104.407 tỷ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 25%, đạt 60.679 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giúp cho lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh ngay quý đầu năm do những năm trước, các ngân hàng phải ưu tiên dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, cổ đông không không được chia cổ tức, nhưng nay các tổ chức tín dụng xử lý được nợ xấu, hoặc bán tài sản đảm bảo để thu tiền về, ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như cùng kỳ các năm trước.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tiết giảm chi phí trên doanh thu. Những yếu tố trên đã tạo nên lợi nhuận bất thường cho các ngân hàng.
Chẳng hạn, tại VIB, với kế hoạch lợi nhuận là 2.005 tỷ đồng, mức này tính trên trích lập dự phòng dự kiến khoảng 420 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện VIB chia sẻ, kế hoạch lợi nhuận này mới chỉ là mức sàn và kỳ vọng sẽ đạt cao hơn. Chi phí trên doanh thu dự kiến là 51%, nếu tốt hơn thì dưới 50%. Bên cạnh đó, việc thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36 cũng đem đến nguồn lợi nhuận lớn cho một số ngân hàng.