Trái phiếu Chính phủ: Hút vốn vào, nhưng không cào lợi ích
Đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các thành viên trong thị trường và các nhà làm chính sách sẽ giải quyết được bài toán thanh khoản.
Như thông điệp được Chính phủ đưa ra, lãi suất có cơ sở giảm xuống, thanh khoản hệ thống NH hiện nay tương đối ổn định giúp cho việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP) tăng... Tuy nhiên, để hài hoà lợi ích của Nhà nước, DN và người dân vẫn có những yếu tố cần cân nhắc.
Trái phiếu Chính phủ vẫn tạo hấp lực
Ngay từ đầu năm, thị trường trái phiếu Việt Nam đã được dự báo có nhiều kỳ vọng phát triển, dù áp lực huy động vốn không nhỏ: 220.000 tỷ đồng là số lượng phát hành trái phiếu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Với việc triển khai thí điểm các sản phẩm mới trong năm 2015, thì sự xuất hiện của các kỳ hạn từ 3 - 30 năm dưới nhiều hình thức sản phẩm trên thị trường trái phiếu năm 2016 cũng là yếu tố thu hút sự tham gia đông đảo, mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư, tăng khả năng huy động vốn.
Hiện nay, từ thông điệp của Chính phủ và NHNN về việc giảm lãi suất cho vay, cộng thêm việc giá trị VND ngày càng được củng cố... thì kênh đầu tư TPCP dường như lại có sức hút và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư cá nhân.
Tại phiên đấu thầu ngày 8/6 vừa qua, Kho bạc Nhà nước mời thầu 9.600 tỷ đồng cho 3 loại kỳ hạn: 5 năm (7.000 tỷ đồng), 20 năm (1.000 tỷ đồng) và 30 năm (1.500 tỷ đồng). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 16 thành viên tham gia dự thầu với khối lượng dự thầu hợp lệ là 11.482 tỷ đồng; Lãi suất đặt thầu khoảng từ 6 đến 7,4%/năm.
Kết quả đã huy động thành công 7.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu là 6,07%/năm; thấp hơn so với phiên đầu tháng huy động được 6.500 tỷ đồng, lãi suất 6,10%/năm và giảm 8 điểm cơ bản với mức lãi suất trúng thầu phiên ngày 26/5/2016.
Với trái phiếu có kỳ hạn 30 năm chỉ có hai thành viên tham gia dự thầu đã huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu là 8%/năm (bằng với lãi suất trúng thầu phiên trước đó ngày 26/5/2016). Trái phiếu kỳ hạn 20 năm không có lãi suất trúng thầu. Cũng hôm 8/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã mở tiếp phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 5 năm, gọi thầu 2.100 tỷ đồng. 6 thành viên tham gia và khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 3.660 tỷ đồng, kết quả huy động thành công 2.100 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công hơn 166.744 tỷ đồng TPCP. Tuy lãi suất TPCP có giảm nhưng vẫn thu hút nhà đầu tư tham gia.
Về mặt chính sách, cuối tháng 5 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Trong đó, tỷ lệ mua, đầu tư TPCP của NHTM Nhà nước được nâng từ mức 15% vốn ngắn hạn lên 25%; các chi nhánh NH nước ngoài cũng được nâng tỷ lệ này từ 15% lên 35%. Từ nhiều năm nay các NHTM vẫn là nhà đầu tư chính của TPCP. Đơn cử, như Vietcombank, hết quý I/2016, NH này đã đầu tư khoảng 86.300 tỷ đồng vào TPCP. Và với chính sách này có lẽ TPCP vẫn chủ yếu do NH nắm giữ.
Đong, đếm đểhài hoà
Việc nới room trái phiếu cho khối các NHTM lớn có ý kiến cho rằng điều này sẽ tạo áp lực lên lãi suất huy động. Từ đó gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay, và như vậy thì mục tiêu giảm lãi suất cho vay các DN trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn. Nhưng cũng có ý kiến của chuyên gia nhận định: hiện TPCP đã bán được gần 70% theo kế hoạch đề ra năm 2016.
Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, từ nay tới cuối năm, khoảng 30% còn lại sẽ được rải đều cho nhiều phiên đấu thầu. Bởi vậy, áp lực về vốn cũng không quá nặng nề, lãi suất huy động cũng ít bị “chèn”, và cơ hội giảm lãi suất cho vay như kỳ vọng là có cơ sở. TPCP là công cụ tài chính có hệ số rủi ro gần như bằng 0, thì nhà đầu tư sẽ so sánh với những kênh khác - dù lãi suất có cao hơn, nhưng đi cùng với đó là rủi ro sẽ nhiều hơn.
Thị trường muốn phát triển tốt thì phải thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia. Theo chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu để hài hoà lợi ích giữa các bên là rất khó và phức tạp, bởi nếu NH mà đổ quá nhiều vốn vào TPCP, thì vốn hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh có phần sẽ bị giới hạn lại. Lãnh đạo một NHTM lại cho rằng, áp lực lên lãi suất huy động từ tác động của Thông tư 06 là có, nhưng cũng không phải quá lo ngại.
Đặt trường hợp nếu NH tập trung vốn quá nhiều vào TPCP, khi cần vốn họ buộc phải bán ra. Nếu số lượng NH bán trái phiếu quá lớn ở cùng một thời điểm thì thanh khoản sẽ “đau đầu”. Nên theo vị này, các NH đều cần có sự tính toán nhất định với việc đầu tư của mình. Cân nhắc đầu tư vào TPCP ở mức hợp lý, dù tính thanh khoản của TPCP khá cao.
Hiện nay, lực lượng tham gia chủ yếu trên thị trường trái phiếu vẫn là các NHTM, công ty bảo hiểm... Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài dù có tăng lên nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa trở thành xu hướng rõ nét. Ai cũng chờ thị trường tốt mà lại không góp phần vào đầu tư, thì rất khó để cải thiện tính thanh khoản.
Để giải quyết được bài toán thanh khoản, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng phải đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các thành viên trong thị trường và các nhà làm chính sách. Một thị trường tốt, hấp dẫn đòi hỏi hàng hoá phải đáp ứng đủ chất lượng, với lực lượng tham gia hùng hậu, đa dạng. Đi cùng với đó là những điều kiện về khung khổ pháp lý, hệ thống giao dịch... có sự hỗ trợ nhất định để tạo điều kiện hài hoà trong tổng thể phát triển.
Đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các thành viên trong thị trường và các nhà làm chính sách sẽ giải quyết được bài toán thanh khoản.