Trái phiếu chính phủ: Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước

Nhật Minh

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Điều này đã góp phần quan trọng trong quản lý nợ công an toàn, bền vững và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2023, KBNN đã huy động được 298.476 tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Năm 2023, KBNN đã huy động được 298.476 tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Lãi suất huy động thấp

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp để triển khai công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước (NSNN) với chi phí hợp lý, duy trì thị trường trái phiếu hoạt động ổn định.

Theo thống kê, năm 2023, KBNN đã huy động được 298.476 tỷ đồng TPCP, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao (305.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,58 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,05 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,21%/năm. Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi TPCP là 184.588 tỷ đồng, trong đó gốc là 100.966 tỷ đồng, lãi là 83.622 tỷ đồng…

Theo KBNN, việc phát hành TPCP phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, nhu cầu trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, tình hình ngân quỹ nhà nước và phù hợp với điều kiện thị trường. KBNN đã tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội bảo đảm công khai, minh bạch; phát hành linh hoạt các loại kỳ hạn TPCP để hài hòa nghĩa vụ trả nợ giữa các năm, tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để tránh gây áp lực cho NSNN.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành, bảo đảm kỳ hạn phát hành bình quân phù hợp với mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Điều hành lãi suất phát hành trong phạm vi khung lãi suất do Bộ Tài chính quyết định, phù hợp với tình hình thị trường và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. KBNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đánh giá tình hình thu, chi ngân sách, khả năng huy động vốn để xác định nhu cầu vay vốn của ngân sách trung ương và trình Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP phù hợp, giảm chi phí vay nợ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước.

Trong bối cảnh lãi suất TPCP liên tục giảm, không ít quan điểm cho rằng KBNN cần đẩy mạnh huy động vốn giai đoạn này để "đảo nợ" nhằm thanh toán nợ cũ đang chịu ở mức lãi suất cao, từ đó, giúp Chính phủ có thể huy động vốn với chi phí rẻ hơn và tạo điều kiện tái cấu trúc lại kỳ hạn trái phiếu theo hướng tối ưu hơn. Phản hồi về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, chức năng, nhiệm vụ của KBNN là tổ chức phương án huy động vốn và tái cơ cấu nợ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về giá trị vay và trả nợ trong năm và thực hiện theo dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua; đảm bảo kế hoạch vay và trả nợ hàng năm được Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rất rõ chi tiết tổng mức vay, tổng mức trả nợ và các phương án để tái cơ cấu nợ, trong đó có nghiệp vụ đảo nợ, huy động mới và trả bớt nợ cũ sắp đến hạn. Trong năm 2023, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ chưa đề cập đến phương án vay để đảo nợ và phương án năm 2024 chưa thông qua.

Sắp phát hành trái phiếu chính phủ riêng lẻ

Ngày 15/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định số 83/2023/NĐ-CP quy định: Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp TPCP cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán TPCP (đại lý phân phối) cho đối tượng mua. KBNN xây dựng phương án phát hành TPCP theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ TPCP theo các nội dung quy định trên. Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận, KBNN tổ chức thực hiện. Trường hợp lựa chọn đại lý phân phối, việc lựa chọn và ký hợp đồng với đại lý phân phối thực hiện theo quy định về điều kiện làm đại lý phân phối và quy trình lựa chọn đại lý phân phối.

Thực tế, hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ đã từng thực hiện trước đây, không phải mới có. Tuy nhiên, trước đây phát hành riêng lẻ qua KBNN địa phương, còn với Nghị định số 83/2023/NĐ-CP có điểm mới là phát hành trái phiếu riêng lẻ qua ngân hàng thương mại. Trong giai đoạn trước mắt vẫn tập trung thực hiện theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí vay cho NSNN.

Chia sẻ rõ hơn về quy định này, bà Trần Thị Huệ cho biết, đối với phương thức bán lẻ, hệ thống KBNN từng thực hiện trong lịch sử từ những năm 1990, 1991. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy rằng chi phí của việc bán lẻ lớn nên từ năm 2009 gần như không thực hiện nữa và chuyển sang phương thức đấu thầu nhanh hơn, đạt hiệu quả tốt hơn về chi phí.
“Sở dĩ KBNN tiếp tục phát hành TPCP riêng lẻ với mục đích kênh huy động vốn này sẽ triển khai thực hiện trong những trường hợp khẩn cấp, cấp bách cần đến huy động nguồn lực toàn dân thông qua bán lẻ trực tiếp đến các đối tượng, cá nhân. Chẳng hạn, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua khi cần huy động các nguồn lực cho chiến dịch phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sau đó các phương thức huy động khác đủ đảm bảo cho chương trình phục hồi kinh tế nên phương thức bán lẻ chưa triển khai. Đó là mục đích Chính phủ ban hành quy định và bổ sung thêm về phương thức bán lẻ", Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ chia sẻ.

Trong năm 2024, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch huy động vốn được giao, chủ động xây dựng lịch biểu phát hành, nắm bắt tình hình thu, chi, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương và diễn biến tình hình thị trường để kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp huy động vốn qua phát hành TPCP với khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phù hợp, bảo đảm huy động đủ khối lượng theo nhu cầu của ngân sách trung ương và duy trì ổn định hoạt động thị trường TPCP.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2024