Trái phiếu nào hấp dẫn giới đầu tư giữa "bão" COVID-19?
Fed đang hỗ trợ các doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm bị hạ thấp trong thời gian gần đây, trong đó có nhà sản xuất ôtô Ford và hãng dầu khí Occidental Petroleum.
Khi kinh tế thế giới trải qua giai đoạn khó khăn, giới đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các tài sản an toàn, rủi ro thấp song lợi nhuận cũng thấp để bảo toàn vốn.
Tuy vậy, ở những lĩnh vực khác của xã hội, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm thay đổi những suy nghĩ tồn tại lâu nay.
Những nhà đầu tư “khát” lợi nhuận đang mạo hiểm đổ tiền vào các tài sản rủi ro hơn trong nỗ lực tìm kiếm các khoản lợi nhuận đang sụt giảm nhanh trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Kênh đầu tư "hấp dẫn"
Nhu cầu đối với các loại trái phiếu có mức xếp hạng không đáng đầu tư hay còn gọi là trái phiếu rủi ro cao hay trái phiếu “rác” đang tăng mạnh.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, vào giữa tháng 8/2020, tổng cộng 274 tỷ USD trái phiếu rủi ro cao đã được phát hành tại Mỹ, cao hơn con số của cả năm 2019.
Trong khi đó, theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, châu Âu cũng ghi nhận tình trạng tương tự với sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động phát hành trái phiếu rủi ro cao vào cuối giai đoạn sáu tháng đầu năm 2020. Đây là điều khá bất ngờ khi châu Âu lâu nay vốn có thị trường trái phiếu rủi ro cao kém phát triển hơn nhiều so với Mỹ.
Loại trái phiếu này luôn có mức độ rủi ro cao khi đầu tư song lại có lợi suất cao hơn so với những kênh đầu tư an toàn. Tuy vậy, với việc một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang chấp nhận mua trái phiếu rủi ro cao như một phần các biện pháp nhằm duy trì dòng tín dụng chảy vào hệ thống tài chính trong nước, giới đầu tư hiện cũng bớt e ngại hơn khi rót tiền vào các trái phiếu rủi ro cao.
Như một phần chiến lược ứng phó dịch COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hỗ trợ các doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm bị hạ thấp trong thời gian gần đây, trong đó có nhà sản xuất ôtô Ford và hãng dầu khí Occidental Petroleum, bằng cách mua trực tiếp trái phiếu của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chấp nhận các trái phiếu như tài sản đảm bảo khi các ngân hàng vay vốn từ ECB.
Trong mùa Hè 2020, nhà sản xuất lọ thủy tinh, nắp đậy và lon nhôm Ball Corporation đã gây bất ngờ khi mua trái phiếu của một công ty được xếp hạng không đáng đầu tư của Mỹ khi doanh nghiệp này phát hành đợt trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất 2,875%. Đây là mức lợi suất trái phiếu thấp nhất từ trước đến nay do một công ty được xếp hạng không đáng đầu tư phát hành.
Trong khi đó, công ty dược phẩm Johnson & Johnson có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong bảng xếp hạng là AAA đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm với mức lợi suất 1,3%, thấp hơn không nhiều so với con số tương ứng nói trên.
Rủi ro gia tăng
Các thuật ngữ như “thiên thần gãy cánh” hay doanh nghiệp "xác sống" xuất hiện ngày càng nhiều trên các báo tài chính.
"Thiên thần gãy cánh" là thuật ngữ được sử dụng để chi một công ty có mức xếp hạng tín nhiệm ở thứ hạng cao trong giai đoạn bình thường trước đây đã bị hạ cấp xuống mức “rác” do hoạt động kinh doanh rơi vào đình trệ trong giai đoạn phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19.
Chuỗi khách sạn Accor của Pháp là một trong những ví dụ như vậy và đã bị S&P hạ mức xếp hạng tín nhiệm xuống còn mức “rác” vào tháng 8/2020.
Đối với các nhà quản lý tài sản, câu hỏi quan trọng ở đây là nhà đầu tư có thể tiếp tục chấp nhận mức độ rủi ro tới mức nào khi những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 vẫn cần phải cân nhắc.
Ông Alain Krief, người phụ trách về thu nhập cố định của Rothschild Asset Management, cho rằng các doanh nghiệp vốn đã khó khăn trước đây hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn.
Theo ông Krief, các nhà quản lý tài sản cần phải xác định chính xác những doanh nghiệp đang gặp khó khăn nghiêm trọng và không có triển vọng để tránh tình trạng “ném tiền qua cửa sổ." Hiện tại, các lĩnh vực như cho thuê ôtô hay cung cấp phụ tùng ôtô có khá nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn không nhỏ.
Trong khi đó, một mối quan ngại lớn là các công ty “xác sống” có thể khiến tình trạng suy giảm kinh tế hiện nay càng xấu hơn. Đây là các doanh nghiệp có chi phí lãi vay cao hơn lợi nhuận hàng năm và chỉ tồn tại được nhờ chi phí đi vay thấp, nhất là nhờ vào các chương trình cứu trợ của chính phủ và ngân hàng trung ương.
Còn theo hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global, tỷ lệ doanh nghiệp vỡ nợ có mức xếp hạng đầu cơ của châu Âu dự kiến tăng hơn gấp 3 lần lên 8,5% vào giữa năm 2021 và trong kịch bản bi quan hơn thì số liệu này có thể tăng lên tới 11,5%.
Trong một nghiên cứu mới đây, S&P cho rằng sự hỗ trợ về chính sách tài khóa và tiền tệ gia tăng có thể giảm bớt tình trạng doanh nghiệp vỡ nợ trong ngắn hạn, song với doanh thu cơ bản đang tiếp tục sụt giảm thì tỷ lệ các công ty được xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp đã tăng mạnh và làm dấy lên rủi ro vỡ nợ.
Về phần mình, bà Marina Cohen, một lãnh đạo của Amundi Asset Management cho rằng, rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp sẽ chỉ được trì hoãn chứ không được loại bỏ hoàn toàn.
Theo bà Cohen, tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay khiến giới chức nhiều nước phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực song điều này chỉ giúp làn sóng doanh nghiệp vỡ nợ không xảy ra ngay lập tức mà diễn ra một cách từ từ trong thời gian tới.