Tránh bẫy lừa xuất khẩu lao động
Thời điểm này, nhiều thị trường lao động nước ngoài đã mở cửa, tiếp nhận lao động Việt Nam quay trở lại. Làm việc ở nước ngoài đã giúp nhiều người lao động có công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, cũng không ít người lao động gặp phải rủi ro…
1/Hiện nay, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định ba hình thức đi làm việc ở nước ngoài gồm:
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, Luật của chúng ta đã có các quy định thủ tục rõ ràng, điều này cũng được nêu rõ trong luật của nước tiếp nhận lao động. Do đó khi đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài phải phù hợp luật pháp nước ta và nước tiếp nhận.
Ông Quỳnh cho rằng, việc thiếu chuẩn bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài có thể khiến người lao động gặp phải những rủi ro phát sinh trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài. Những rủi ro này gồm khó khăn khi hòa nhập môi trường sinh hoạt và làm việc mới, làm việc trong môi trường độc hại, không được trả lương hoặc được trả không đầy đủ, các điều khoản trong hợp đồng bị thay thế hoặc bị lạm dụng và bóc lột lao động. Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dịch vụ tuyển lao động ở địa phương; cần điều tra và triệt phá những đường dây buôn người, đưa người lao động đi làm bất hợp pháp.
2/Nhằm giảm những rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn con đường đi hợp pháp, người lao động cũng phải trang bị ngoại ngữ tốt, tự tìm hiểu về luật pháp quốc gia mình tới làm việc và trang bị kiến thức đầy đủ. Dù vậy, trong quá trình làm việc ở nước ngoài vẫn có thể phát sinh một số rủi ro, trong trường hợp có phát sinh, người lao động cần trao đổi và khiếu nại với chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp đưa đi để bảo đảm quyền, lợi ích cho mình.
“Chúng tôi khuyến cáo, những người muốn đi lao động ở nước ngoài thì chọn con đường đi hợp pháp để được pháp luật của Việt Nam, pháp luật nước sở tại và các hiệp hội, ngành nghề bảo vệ. Hiện, hệ thống thông tin về lao động nước ngoài rất phong phú, đặc biệt là thông qua mạng xã hội nhưng đòi hỏi người dân phải biết lựa chọn. Bởi có nhiều doanh nghiệp phái cử, website, người môi giới giả danh đưa ra các thông tin đi lao động thời vụ tại Anh, Mỹ, Canada… Cục Quản lý lao động ngoài nước đã rất nhiều lần cảnh báo cho người lao động về vấn đề này”, bà Vân Hà nói.
3/Để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, ngăn ngừa những rủi ro, tổn thất của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn như sau:
Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy phép trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Người lao động có thể truy cập các thông tin liên quan đến thông tin về việc làm ở nước ngoài đối với ngành, nghề, công việc và các khoản chi phí phải chi trả để đi làm việc ở nước ngoài đối với từng nước, từng ngành, nghề và công việc cụ thể.
Người lao động cần liên hệ cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi thường trú để tìm hiểu thêm về thông tin liên quan đến doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.