Tránh gây sốc thị trường bất động sản

Theo daibieunhandan.vn

Giao dịch quý I/2016 sôi động, dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản (BĐS) tăng nhanh, xuất hiện đầu cơ là những tín hiệu cho thấy, để thị trường BĐS 2016 phát triển lành mạnh, ổn định, rất cần những giải pháp mềm dẻo từ phía các cơ quan quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Giao dịch tăng mạnh

Sáng 5/4 tại Hà Nội, khán phòng có sức chứa 500 người của Hà Nội Tower không còn đủ chỗ ngồi. Không khó để lý giải sự hấp dẫn của sự kiện công bố thường kỳ tổng quan thị trường BĐS quý I.2016 của Savills, bởi thị trường BĐS có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ chiếm tới 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội, mà còn là kênh đầu tư sôi động và là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân.

Hấp lực của thị trường BĐS trong quý I được minh chứng bởi những con số khá ấn tượng mà Savill công bố: Tổng nguồn cung sơ cấp căn hộ khoảng 16.270 căn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và đã có hơn 5.600 căn hộ được bán, tỷ lệ hấp thụ đạt 34%. Trước đó, ngày 4.4 tại TP Hồ Chí Minh, báo cáo quý I của Jones Lang Lasalle cũng gây sự chú ý cho giới đầu tư khi khẳng định, giá căn hộ ở tất cả các phân khúc đều tăng.

Tại TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ tăng 5% so với cùng kỳ trên thị trường sơ cấp và tăng 7% trên thị trường thứ cấp tại nhiều dự án. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp có giá đặc biệt tăng cao ở quận 2 và quận 4 (TP Hồ Chí Minh). Còn tại Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm, giá bán căn hộ cũng tăng khoảng từ 1 đến 5%. Dự báo trong 3 quý còn lại, sẽ có sẽ có 20.000 căn tại TP Hồ Chí Minh và 16.000 căn ở Hà Nội được mở bán.

Vẫn còn bất ổn về giávà hiện tượng đầu cơ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng: “Không thể xảy ra hiện tượng bong bóng BĐS 2016, về phân tích kỹ thuật thì hiện tại đường giao dịch đang nằm ngang”. Nhưng quan sát trên thực tế, người mua nhà hiện nay đã và đang chứng kiến một số dấu hiệu bất ổn khi tình trạng mua đi bán lại ngày càng gia tăng theo hướng tiêu cực. “Có dự án có đến hàng trăm nhân viên môi giới chào mời khách mua, một số dự án khác muốn mua được thì phải trả tiền chênh lệch ngoài giá chính thức, chưa kể tình trạng chủ đầu tư thường tăng giá bán qua mỗi đợt chào bán sản phẩm. Điều này đẩy giá nhà đất quá cao so với mức thu nhập của người mua”, anh Mạnh Cường, một khách hàng tại quận Hà Đông đang có nhu cầu mua căn hộ nhận xét.

Kinh nghiệm cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bong bóng nhà đất như đã xảy ra năm 2007 và 2010 là do hiện tượng đầu cơ. Một lo ngại khác cho thị trường BĐS hiện nay là dư nợ tín dụng trong BĐS liên tục tăng từ năm 2014 đến nay. Tính đến 31.12.2015 dư nợ tín dụng BĐS đạt 392.801 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng Vũ Văn Phấn: Dù thị trường BĐS từng bước hồi phục tích cực nhưng chưa thực sự lành mạnh, còn thiếu quy hoạch, chưa bám sát nhu cầu. Việc chấp hành quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh BĐS tại nhiều dự án chưa tốt. Tình trạng mua BĐS, nhà ở để đầu cơ vẫn diễn ra nhiều.

Nhận xét về thực trạng giao dịch trên thị trường BĐS, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đang xảy ra 3 hiện tượng: giao dịch BĐS tăng trưởng mạnh, dòng vốn tín dụng đổ vào BĐS tăng và xuất hiện hiện tượng đầu cơ.

Nhiều giải pháp cho thị trường bất động sản

Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Vũ Văn Phấn cho rằng, để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số giải pháp cần thiết như: hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, tập trung tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm và công khai thủ tục hành chính liên quan đến phát triển dự án để doanh nghiệp và người dân biết, thực hiện. Các địa phương trọng điểm cần quyết liệt trong việc thu hồi các dự án vi phạm pháp luật, không có tính khả thi.

Song, ông Phấn cũng nhấn mạnh: “Các ngân hàng cần tiếp tục kiểm soát cho vay lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, phù hợp để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn cho vay và tránh nguy cơ đổ vỡ cho thị trường. Còn chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, việc NHNN siết tín dụng BĐS khi đưa ra Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là cần thiết.

Theo tính toán, nếu Dự thảo Thông tư 36 sớm được ban hành thì dư nợ tín dụng BĐS sẽ giảm khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, động thái này đang làm cho không ít DN lo lắng. “Việc theo dõi sức khỏe tín dụng của ngân hàng hết sức cần thiết nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ gây ra những tâm lý bất an cho cả người đầu tư và người mua nhà, ảnh hưởng tới toàn thị trường” - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư BĐS Toàn cầu GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh.

Rõ ràng có nhiều giải pháp nhằm giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định. Nhưng giải pháp “đóng, mở” van tín dụng chắc chắn sẽ nhạy cảm hơn và có sức ảnh hưởng ngay tức thì tới thị trường BĐS.

Từ năm 2013, NHNN và Bộ Xây dựng đã phối hợp rất hiệu quả trong việc vực dậy thị trường BĐS, làm cho thị trường ấm nóng trở lại bằng giải pháp tín dụng. Song theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Trong thời điểm hiện tại, rất cần các giải pháp khéo léo, cẩn trọng và tế nhị để tránh gây sốc cho thị trường BĐS.