Trao đổi về các kỹ năng cần có của kế toán nội bộ trong bối cảnh công nghệ số

ThS. Ninh Thị Thúy Ngân - Trường Đại học Lao động xã hội

Kế toán là một trong các bộ phận đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong doanh nghiệp. Tùy vào vị trí kế toán cụ thể mà công việc cần đảm nhận sẽ khác nhau. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, vai trò của kế toán nội bộ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự quản lý tài chính hiệu quả để tồn tại và phát triển, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Với sự bùng nổ của công nghệ số, các yêu cầu đặt ra đối với kế toán nội bộ ngày càng cao hơn.

Tổng quan về kế toán nội bộ của doanh nghiệp

Khái niệm kế toán nội bộ

Kế toán nội bộ (In-house Accountant) còn được xem là kế toán quản trị, có nhiệm vụ ghi chép, phân tích, thống kê, xử lý số liệu từ các hoạt động tài chính hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh như không có chứng từ, hóa đơn nhằm mục đích tính toán được các khoản lời, lỗ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp (DN). Qua đó, nhà quản trị DN có thể dễ dàng xem xét tình hình và đưa ra chiến lược phát triển phù hợp nhất trong tương lai, tăng cường sự phát triển vững mạnh, lâu dài của DN.

Bảng 1: Công việc của kế toán nội bộ

STT

Công việc

1

Quản lý các tài khoản liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm các khoản thu, chi, tài sản và nợ phải trả

2

Thực hiện xử lý các giao dịch tài chính của doanh nghiệp, bao gồm việc lập hóa đơn, phiếu chi, phiếu thu...

3

Lập các báo cáo tài chính, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kết quả kinh doanh nhằm giúp nhà quản trị doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra quyết định kinh doanh, đầu tư đúng đắn, kịp thời

4

Phân tích chi phí của doanh nghiệp, bao gồm chi phí sản xuất, chi phí quản lý, chi phí bán hàng,... để đưa ra các giải pháp kinh doanh hiệu quả

5

Kiểm soát các chứng từ, hoá đơn, đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp và chính xác theo quy định của pháp luật

6

Lập báo cáo đột xuất theo tuần/ tháng/quý nếu có yêu cầu đột xuất.

Nguồn: PACE (2024)

 

Vai trò của kế toán nội bộ

Thực tiễn hoạt động của DN hiện nay cho thấy, kế toán nội bộ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của DN, cụ thể:

- Cung cấp thông tin tài chính hỗ trợ nhà quản trị DN đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn và hiệu quả.

- Đảm bảo các giao dịch tài chính được ghi nhận đầy đủ và chính xác để cung cấp thông tin tài chính đáng tin cậy cho các bộ phận liên quan.

- Phân tích các dữ liệu tài chính và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu rủi ro tài chính cho DN.

- Đảm bảo các hoạt động kế toán và tài chính của DN tuân thủ quy định pháp luật.

- Quản lý quản lý ngân sách của DN bằng cách phân tích chi phí và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu, tiết kiệm ngân sách.

Trách nhiệm của kế toán nội bộ

Mặc dù kế toán nội bộ được phân chia thành nhiều vị trí với các đầu mục công việc khác nhau, song thực tế cho thấy, trách nhiệm của kế toán nội bộ thường xoay quanh việc ghi chép các hoạt động diễn ra hàng ngày của DN với các nội dung như sau:

- Tiến hành lập chứng từ, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ, rõ ràng, chính xác của chứng từ kế toán và luân chuyển theo đúng quy trình của DN.

- Hạch toán toàn bộ các nghiệp vụ chứng từ kế toán phát sinh.

- Quản lý, lưu trữ và sắp xếp các chứng từ nội bộ một cách an toàn và khoa học.

- Phối hợp với các kế toán nội bộ khác, các bộ phận khác để thực hiện các công việc theo chỉ thị của cấp trên.

- Thực hiện lập các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của kế toán trưởng và ban lãnh đạo của DN.

- Thống kê và phân tích các số liệu thực tế về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để hỗ trợ cấp lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn.

Phân loại kế toán nội bộ

Bảng 2: Phân loại chi tiết kế toán nội bộ

Vị trí

Mẫu mô tả công việc chính

Kế toán

thu chi

- Lập hóa đơn thu, chi cho các hoạt động của doanh nghiệp

- Theo dõi và quản lý quỹ tiền mặt

- Tiến hành thu, chi cho nhân viên, cán bộ trong doanh nghiệp

Kế toán kho

- Sử dụng công cụ hỗ trợ theo dõi, quản lý hàng hóa của kho

- Lập chứng từ xuất và nhập hàng

- Quản lý, gửi báo báo về vấn đề xuất, nhập và tồn hàng hóa

Kế toán

ngân hàng

- Hỗ trợ mở tài khoản cho khách hàng

- Mở tài khoản kế toán cho doanh nghiệp

- Lập ủy nhiệm chi cũng như séc nạp - rút tiền và giao dịch tài khoản.

- Ghi nhận dòng tiền của doanh nghiệp được lưu trữ tại ngân hàng

Kế toán

thanh toán

- Lập các tài liệu liên quan đến đề nghị thanh toán, tạm ứng, hoàn ứng,...

- Theo dõi và đối chiếu các khoản tạm ứng, thanh toán

Kế toán

tiền lương

- Soạn thảo và lưu trữ hợp đồng lao động

- Xây dựng và quản lý quỹ lương. Điều hành cơ chế trả lương

- Theo dõi các chế độ bảo hiểm của người lao động

Kế toán

bán hàng

- Nhập số liệu mua bán hàng hóa vào phần mềm kế toán

- Lập chứng từ, hóa đơn bán hàng

- Lập yêu cầu chiết khấu, nâng cấp khách hàng thân thiết cho người mua hàng lâu năm nếu có

- Kiểm tra doanh thu hằng ngày, lập báo cáo bán hàng

- Đối chiếu số lượng hàng hóa với thủ kho sau khi hết ca

- Hỗ trợ kế toán tổng hợp nếu được yêu cầu

Kế toán

công nợ

- Theo dõi tình hình thu, nhận công nợ và thanh toán cho khách hàng

- Quyết định thực hiện hoặc dời thời gian thu hồi nợ

- Lên danh sách công nợ, nợ xấu và báo cáo

Kế toán

tổng hợp

- Tổng hợp, phân loại chứng từ

- Cập nhật báo cáo hằng ngày

- Theo dõi tình hình kinh doanh hằng ngày

- Phân tích số liệu, đề xuất ý tưởng quản lý tài chính cho nhà quản trị doanh nghiệp

Kế toán trưởng

- Điều hành, chỉ đạo, kiểm tra các số liệu liên quan đến hoạt động kế toán

- Tham mưu Ban lãnh đạo về tình hình kinh doanh và tình hình tài chính

Nguồn: careerviet.vn

 

Trong các DN hiện nay, đặc biệt là các DN lớn, công tác kế toán nội bộ rất được quan tâm. Thông thường, vị trí kế toán nội bộ thường được phân chia thành nhiều mảng khác nhau nhằm đảm bảo tốt hiệu suất công việc, bao gồm:

– Kế toán thu chi: Giữ vai trò thủ quỹ, đảm nhận việc quản lý quỹ tiền mặt, quản lý, cập nhập các nguồn thu – chi, phần tồn quỹ tiền mặt và báo cáo lại cho cấp trên.

– Kế toán kho: Thực hiện lập chứng từ, ghi sổ hàng hóa được xuất – nhập kho, giám sát và quản lý các luồng hàng qua kho theo quy định của DN. Kèm theo đó, lập báo cáo chi tiết về tình hình hàng xuất – nhập – tồn kho khi cần thiết.

– Kế toán ngân hàng: Có nhiệm vụ lập ủy nhiệm chi cũng như séc nạp – rút tiền, ghi chép số liệu vào sổ kế toán, đồng thời đối chiếu thông tin giữa sổ phụ và bút toán của cuối tháng để quản lý các tài khoản ngân hàng của DN.

– Kế toán bán hàng: Quản lý các hoạt động bán hàng như: nhập số liệu mua bán hàng hóa vào phần mềm kế toán, quản lý hóa đơn và chính sách chiết khấu cho khách hàng, đối chiếu số liệu mua hàng hóa trong kho, giám sát công nợ; Có trách nhiệm tổng hợp doanh thu, đối chiếu lượng hàng xuất – nhập kho với thủ kho vào mỗi cuối ngày.

– Kế toán thanh toán: Có trách nhiệm lập các chứng từ liên quan đến tạm ứng, đề xuất, thanh toán, đối chiếu công nợ giữa các kết quả chứng từ để quản lý các khoản tạm ứng thanh toán.

– Kế toán tiền lương: Đảm nhận việc tính toán và chi trả lương; lập và quản lý danh sách người lao động; phụ trách quản lý chính sách đóng bảo hiểm của nhân sự trong DN.

– Kế toán công nợ: Lên kế hoạch giãn nợ và thu hồi nợ thông qua việc kiểm tra sát sao tình trạng thanh toán của khách hàng; lập báo cáo về các khoản công nợ phát sinh.

– Kế toán tổng hợp: Có nhiệm vụ quản lý và phân tích các chứng từ kế toán, cập nhật thông tin kinh tế, thông tin tài chính hằng ngày của DN. Từ đó, lập các báo cáo tài chính, cố vấn cho nhà quản trị DN kế hoạch tài chính phù hợp.

– Kế toán trưởng: Là người đứng đầu bộ phận kế toán, quản lý và giám sát tiến độ công việc của các kế toán viên; thường xuyên tham mưu các chiến lược tài chính cho Ban Lãnh đạo DN.

Kỹ năng cần có của kế toán nội bộ

Đối với người làm công tác kế toán nói chung và kế toán nội bộ nói riêng, ngoài kiến thức chuyên môn, trong bối cảnh công nghệ số, kế toán nội bộ cần có một số kỹ năng quan trọng khác như:

Kỹ năng lập kế hoạch

Kế toán nội bộ cần có kỹ năng lập kế hoạch để giúp nhà quản trị DN đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên các thông tin tài chính và phân tích chi phí. Kế toán nội bộ cũng có thể sử dụng kỹ năng phân tích chi phí để giúp quản lý đưa ra các quyết định về đầu tư hợp lý.

Kỹ năng quản lý thời gian

Kế toán nội bộ cần phải có khả năng ưu tiên và phân chia thời gian để đảm bảo các công việc được hoàn thành đúng thời hạn, bởi bộ phận này cần thực hiện nhiều công việc khác nhau. Họ phải biết cách tổ chức công việc và tối ưu hóa quy trình làm việc để tiết kiệm thời gian.

Kỹ năng đối phó với áp lực

Kế toán nội bộ cần có khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp, cần biết khi nào nên yêu cầu sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp và quản lý để đảm bảo các công việc được hoàn thành đúng thời hạn.

Kỹ năng thích ứng

Môi trường kinh doanh luôn thay đổi, DN cũng có thể phải thay đổi chiến lược kinh doanh, cơ cấu tổ chức để thích ứng kịp thời. Theo đó, kế toán nội bộ cần phải học hỏi, nâng cao kiến thức của mình để có thể đáp ứng các yêu cầu mới trong DN. Đồng thời có khả năng thích ứng với công nghệ mới và các phần mềm kế toán mới để tối ưu hóa quy trình làm việc. Kế toán nội bộ cần phải có khả năng thích ứng với những thay đổi trong quy trình làm việc và các yêu cầu của khách hàng, đối tác kinh doanh.

Kỹ năng sử dụng tin học văn phòng

Kế toán nội bộ cần kỹ năng sử dụng tin học văn phòng để thực hiện các hoạt động kế toán, như phần mềm kế toán, xử lý tài liệu văn phòng, lập báo cáo. Bên cạnh đó, kế toán nội bộ cũng cần phải hiểu được cách phần mềm kế toán hoạt động để có thể sử dụng nó hiệu quả và đảm bảo tính chính xác của thông tin tài chính.

Kỹ năng bảo mật thông tin

Trung thực và bảo mật thông tin tuyệt đối là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với kế toán nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của DN trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Kế toán nội bộ sẽ chịu trách nhiệm bảo mật thông tin của DN trong suốt quá trình làm việc. Nếu thông tin nội bộ bị rò rỉ, trách nhiệm trước tiên thuộc về kế toán.

Kỹ năng giao tiếp

Kế toán nội bộ thường phải làm việc với nhiều bộ phận khác trong DN, bao gồm các bộ phận như sản xuất, kinh doanh, quản lý nhân sự,... Do đó, kỹ năng giao tiếp xuất sắc là rất quan trọng để đảm bảo thông tin tài chính được truyền đạt đúng cách và hiệu quả. Theo đó, người làm công tác kế toán nội bộ cần có khả năng truyền đạt thông tin tài chính một cách chính xác và dễ hiểu cho các đối tượng không chuyên về kế toán. Họ cần có kỹ năng thuyết phục và thương lượng để giải quyết vấn đề trong DN liên quan đến tài chính, giải thích các vấn đề tài chính một cách dễ hiểu và thuyết phục với các bên liên quan về các quyết định kinh doanh.

Kỹ năng ngoại ngữ

Việc có khả năng sử dụng ngoại ngữ là một lợi thế cho kế toán nội bộ, đặc biệt khi DN có hoạt động kinh doanh quốc tế hoặc có quan hệ thương mại với các đối tác nước ngoài. Với các DN hoạt động tại nước ngoài, nếu có khả năng ngoại ngữ, kế toán nội bộ sẽ có thể hiểu, xử lý các thông tin tài chính được báo cáo bằng các ngôn ngữ khác một cách chính xác và hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
  2. Kế toán nội bộ là gì? Mô tả công việc của kế toán nội bộ. Truy cập từ link: https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/ke-toan-noi-bo.
  3. Một số website: careerviet.vn, pace.edu.vn...
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024