Trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục trong Top 30 thế giới


Thời gian qua, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng lên rõ rệt và liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD. Nguồn: VGP
Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD. Nguồn: VGP

Bước tiến mạnh mẽ

Tại lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD chiều tối ngày 30/12/2019, các đại biểu cùng nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua với những bước tiến mạnh mẽ.

Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).

Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt. Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD.

Đến chiều ngày 30/12/2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mức 514 tỷ USD, ghi nhận một kỷ lục mới của nền kinh tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 262,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 248,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới gần 11 tỷ USD.

Nhờ đó, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Phát biểu tại buổi lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, có được những thành công nêu trên trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; sự đồng hành của cộng đồng DN, các hiệp hội, ngành hàng. 

Đối với Bộ Tài chính, kết quả này phản ánh một quá trình cải cách lâu dài trong tiến trình cải cách chung của Chính phủ ở tất cả các mặt từ xây dựng thể chế, pháp luật; cải cách, đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hành chính; áp dụng công nghệ quản lý hiện đại cho đến ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trên tất cả các mặt hoạt động.

Năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD

Biểu dương những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này là nhờ sự phấn đấu của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải… đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị trực tiếp phục vụ xuất nhập khẩu như hải quan, quản lý thị trường… 

Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Thủ tướng giao Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này, mục tiêu là năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI; Tiếp tục phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu; Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính.

Đồng thời, tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị; Giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, cần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, phát triển ngành du lịch...