Triển khai 05 nhóm giải pháp thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển
Thực trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… Trước những khó khăn, thách thức này, Việt Nam đã, đang tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phát nông nghiệp xanh.
Trong quá trình triển khai phát triển nông nghiệp xanh đã gặp phải một số khó khăn như: Nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh; Yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp; Trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chi phí để mua công nghệ mới quá lớn; Nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh còn hạn chế...
Trước những khó khăn, thách thức này, Việt Nam đã, đang tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phát nông nghiệp xanh. Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; phát triển sản xuất nông nghiệp xanh – sạch – an toàn – bền vững; xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái.
Thứ hai, thay đổi nhận thức từ nông dân, các tổ chức, hợp tác xã, cộng đồng dân cư… cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống các ngành hàng. Các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay để hình thành hệ sinh thái xanh.
Thứ ba, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn; nghiên cứu thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp ngoài việc tổ chức lại các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, Nhà nước giữ vai trò “đầu tàu” trong việc tái cấp vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.