Triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023

Trần Huyền

Trong năm 2022, Vụ Đầu tư đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác điều hành vốn đầu tư công, kịp thời tổng hợp báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. Công tác này tiếp tục được Vụ chú trọng thực hiện ngay từ đầu năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại tỉnh Khánh Hòa và làm việc với các địa phương Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại tỉnh Khánh Hòa và làm việc với các địa phương Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng.

Tích cực tham mưu điều hành vốn đầu tư công

Bộ Tài chính xác định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Vụ Đầu tư đã tích cực, chủ động tham mưu Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời tổng hợp, báo cáo các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công; rà soát đẩy mạnh việc phân cấp cho các Bộ, ngành địa phương trong việc phân bổ điều hành vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; kịp thời trình có văn bản xử lý các kiến nghị của các bộ, cơ quan trung ương về nội dung bố trí kế hoạch vốn, kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Vụ cũng đã chủ động thực hiện việc kiểm tra phân bổ; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước bao gồm vốn giao đầu năm, vốn kéo dài, vốn bổ sung trong năm theo đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện phê duyệt dự toán trên hệ thống TABMIS, xác định nhu cầu giải ngân quý tiếp theo để đảm bảo Kho bạc Nhà nước đủ cơ sở kiểm soát chi, và các cơ quan kịp thời theo dõi đôn đốc tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, Vụ Đầu tư đã chủ động tổng hợp, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền các vướng mắc phát sinh về cơ chế chính sách, tổ chức triển khai trong quá trình thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trên cơ sở đó, đã trình Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Công tác thẩm định cũng được Vụ chú trọng thực hiện. Theo đó, thực hiện đúng quy định trong công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các chương trình, dự án đầu tư của các địa phương; thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn. Qua công tác thẩm định đã kiến nghị các Bộ, ngành địa phương các ý kiến cụ thể góp phần hạn chế tình trạng quyết định đầu tư vượt khả năng đảm bảo nguồn vốn...

Đặc biệt, năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao làm Tổ trưởng Tổ công tác số 6 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Vụ Đầu tư đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng tổ chức 4 cuộc kiểm tra trong đó 1 cuộc hình thức trực tuyến, 02 cuộc hình thức kiểm tra trên báo cáo, có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai nhiệm vụ và 01 cuộc kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa và làm việc với tỉnh Phú Yên.

Đến tháng 10/2022, các địa phương được Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm việc, kiểm tra đã có chuyển biến tích cực, 06 địa phương (Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Nghệ An, Bình Phước, Bình Thuận, Sóc Trăng) không còn trong nhóm địa phương giải ngân thấp, chỉ còn 02 địa phương (Phú Yên và Bình Dương) trong nhóm các địa phương có số giải ngân vốn thấp hơn so bình quân chung cả nước.

Triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân ngay đầu năm 2023

Trong năm 2023, một trong những công tác quan trọng được Vụ Đầu tư xác định tập trung thực hiện là tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Theo đó, trong tổ chức triển khai công tác điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023, Vụ sẽ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về việc phân bổ, nhập dự toán và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đảm bảo thực hiện phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, tuân thủ các nguyên tắc thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung quy định về thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện việc kiểm tra phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo quy định; phê duyệt dự toán trên hệ thống TABMIS để đảm bảo Kho bạc Nhà nước đủ cơ sở kiểm soát chi vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án. Vụ sẽ chủ động nắm bắt tình hình, những vướng mắc trong việc quản lý và thanh toán vốn đầu tư công để đề xuất biện pháp thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Trong năm 2023, Vụ Đầu tư tiếp tục phối hợp kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án ngay từ những tháng đầu năm trong đó tập trung vào các dự án công trình giao thông trọng điểm đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đảm bảo tiết kiệm, tiến độ, hiệu quả, đúng quy định như: Dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, Dự án đường Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng...

Ngoài ra, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, cập nhật kịp thời tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, tổng hợp các vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch vốn để kịp thời tham mưu xử lý trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.