Giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài mới đạt 26,06%
Sáng ngày 1/12/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng dự và chủ trì hội nghị.
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài còn thấp
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Bước sang năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nước ngoài.
Về phía Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân cụ thể như: Có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đôn đốc nhập Tabmis và giải ngân vốn nước ngoài; Tích cực làm việc và trao đổi trực tiếp, trực tuyến với tất cả các chủ dự án được giao kế hoạch vốn nước ngoài của 13 Bộ, ngành và 59 địa phương; Thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn đảm bảo ngắn nhất có thể và đúng quy định pháp luật...
Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp. Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính thì tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022. Kết quả giải ngân 11 tháng đầu năm 2022 đầu tư công nguồn vốn nước ngoài cho thấy, tốc độ giải ngân từ nguồn vốn này là chậm so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (đạt khoảng 60% kế hoạch).
"Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ trong 2 tháng còn lại của kế hoạch vốn năm 2022 đặt ra rất nhiều thách thức, đặc biệt nhất là các chủ dự án, ban quản lý dự án. Nếu các Bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2021-2025." - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo tình hình giải ngân nguồn vốn nước ngoài, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Tài chính đối ngoại thông tin, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2022 đạt 26,06%. Tỷ lệ này gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).
Về nguyên nhân của việc giải ngân thấp, Bộ Tài chính thấy rằng, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như: Chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm (do vướng trong một số khâu như giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...). Đồng thời, cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính.
Nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh giảm vốn
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong tổng kế hoạch vốn năm 2022 Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 55.051 tỷ đồng; các dự án ODA đã phân bổ 5.440 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài khoảng 4.877 tỷ đồng, vốn trong nước khoảng 563 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch được giao qua 09 đợt giao và điều chỉnh chi tiết kế hoạch.
Đến hết tháng 11/2022, kết quả giải ngân vốn ODA của 18 dự án được bố trí vốn nước ngoài (trong tổng số 28 dự án ODA) do Bộ Giao thông vận tải quản lý đạt khoảng 2.874,7 tỷ đồng/4.877 tỷ đồng vốn được bố trí, tương đương khoảng 58,95% kế hoạch. Theo đó, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 còn lại cần phải giải ngân khoảng 2.000,3 tỷ đồng.
Trên cơ sở tổng hợp số liệu về khả năng giải ngân kế hoạch năm 2022 từ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, dự kiến cả năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân được khoảng 4.650 tỷ đồng vốn nước ngoài (tương đương khoảng 95,4% kế hoạch vốn được giao). Số kế hoạch không giải ngân hết khoảng 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh bổ sung vốn trung hạn, khi được phép điều chỉnh thì Bộ sẽ giải ngân được 100% kế hoạch.
Cũng tại hội nghị, đại diện TP. Hà Nội cho biết, năm 2022, 05 dự án ODA của Thành phố được giao kế hoạch vốn ODA được giao 5.157.901 triệu đồng đáp ứng nhu cầu giải ngân cho các dự án đã hoàn thành nhập Tabmis toàn bộ kế hoạch giao năm 2022 cho các dự án theo quy định. Không có vốn ODA năm 2021 kéo dài sang năm 2022.
Tính đến hết tháng 11/2022, giá trị giải ngân vốn ODA của kế hoạch năm 2022 theo số đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi và xác nhận hoàn thành là 1.836.755 triệu đồng, đạt 35,61% kế hoạch. Tính theo giá trị đã ghi thu ghi chi là 1.397.675 triệu đồng, đạt 27,10% kế hoạch.
Theo đại diện TP. Hà Nội, khó khăn, vướng mắc chính làm ảnh hưởng đến việc triển khai và giải ngân các dự án của Thành phố là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tiếp tục trong diễn ra trong quý I/2022, dẫn đến tiến độ thực hiện giải ngân các dự án bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, tổng mức đầu tư, hiệp định vay, vì vậy sẽ không giải ngân hết kế hoạch vốn ODA năm 2022 đã giao.
Thời gian qua, UBND Thành phố đã tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết các khó khăn cho các dự án, đặc biệt là dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội; dự án Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội; dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, TP. Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành liên quan ưu tiên, hướng dẫn phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố để đẩy sớm công tác nghiệm thu và bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống; đẩy nhanh công tác rà soát hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án đảm bảo thời gian phê duyệt trước 31/12/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phů; làm việc với các nhà tài trợ để xem xét đẩy nhanh thủ tục xét duyệt giải ngân, ký điều chỉnh, bổ sung các hiệp định vay cho các dự án khi hoàn thành xong thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư...
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, đại diện địa phương này cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai 7 dự án, trong đó 5 dự án nhóm A và 2 là nhóm B. Hiện tại năm 2022, vốn ODA vay lại của Chính phủ giao TP. Hồ Chí Minh là 9.929 tỷ đồng. UBND TP. Hồ Chí Minh đã bố trí kế hoạch vốn là 7.542 tỷ đồng, trong đó có 2.300 tỷ đồng cho chương trình vay phát triển chính thức nhưng đến nay không có cơ sở triển khai và kiến nghị không triển khai.
Đến ngày 31/11/2022, số vốn giải ngân theo thanh toán ghi thu chi cho dự án ODA cấp phát đã điều chỉnh là 917 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch bố đã bố trí. Với vốn ODA vay lại đã giải ngân 2.218 tỷ đồng, đạt 44%. Nếu tính theo đơn rút vốn, chứng từ hoàn vốn thì TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân 2.875 tỷ đồng, đạt 38,13% kế hoạch vốn đã bố trí.
Theo đại diện TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn này là do quá trình triển khai thực hiện chậm do vướng nghiệm thu chưa thanh quyết toán, vướng mắc di dời hạ tầng kỹ thuật, điều chỉnh dự án tuyến Metro 1 và 2. TP. Hồ Chí Minh đã có công văn xin điều chỉnh vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương giảm 600 tỷ đồng của 2 dự án. Thành phố cũng đã thành lập các tổ hỗ trợ giải ngân, phối hợp với các sở, ngành trong thực hiện để đẩy nhan tiến độ giải ngân, dự kiến đạt 70% kế hoạch vốn đã giao từ nay đến cuối năm...
Đại diện tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2022, tổng vốn nước ngoài được giao là 1.028 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết ngày 30/11/2022 tỷ lệ giải ngân của Tỉnh đạt rất thấp. Nguyên nhân là do thời tiết mưa lớn kéo dài, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, công tác chi trả tiền bồi thường còn vướng mắc; năng lực cán bộ còn hạn chế... Thời gian tới, Hà Giang tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, xác định trách nhiệm người đứng đầu các huyện, ngành. Bên cạnh đó, Hà Giang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho điều chỉnh giảm 354 tỷ đồng của 4 dự án.
Cần nỗ lực giải ngân ở mức cao nhất
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương. Theo Thứ trưởng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân là từ nguyên nhân chủ quan. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương khi đề xuất dự toán chưa thực sự chắc chắn, đề xuất dự toán mới còn cao hơn mức xin trả lại; Công tác giao dự toán, phân bổ dự toán còn chậm; Công tác chuẩn bị cho dự án, chuẩn bị hồ sơ rút vốn còn yếu...
Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc; bám sát từng dự án để chỉ đạo các nhà thầu thực hiện; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh toán, rút vốn; rà soát lại quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư thiết bị phù hợp mặt bằng giá mới; báo cáo cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có đánh giá chuẩn xác số liệu, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, cam kết triển khai, đề xuất giải pháp trong đó có mức hoàn trả kế hoạch vốn.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các vấn đề về thủ tục, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương gửi về, trong đó có điều chỉnh tổng mức, điều chỉnh kế hoạch vốn. Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài nói riêng ở mức cao nhất để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.
"Bộ Tài chính cam kết phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, xử lý các vấn đề liên quan đến nhà tài trợ để làm sao hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh nhất giải ngân." - Thứ trưởng khẳng định.