Triển khai kịp thời các giải pháp điều hành giá
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình và có chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ ngành, địa phương đã tích triển khai các giải pháp điều hành giá.
Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng và định hướng công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022. Các Bộ, ngành liên quan bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành cũng đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục; quản lý thị trường xăng dầu, ngăn chặn tình trạng găm hàng; tăng cường kết nối cung cầu, thực hiện tốt công tác lưu thông, bảo đảm các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; bảo đảm về vật tư, trang thiết bị y tế, kit-test, thuốc chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Năm 2022 diễn biến hết sức phức tạp. Các hàng hóa dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng cao. Bên cạnh đó, trước tình hình áp lực lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương của các nước có động thái thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để ứng phó. Trong khi đó, Việt Nam hiện là nền kinh tế mở, nên chịu tác động rất mạnh, áp lực lớn đối với công tác điều hành giá.
Trong bối cảnh đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình và có chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ ngành, địa phương đã tích triển khai các giải pháp điều hành giá.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỉ giá linh hoạt để bảo đảm vốn cho nền kinh tế và các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, trong điều hành chính sách tài khóa, những tháng gần đây, nhiều chính sách được triển khai rất kịp thời, nhanh chóng. Đơn cử như chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để hỗ trợ các hãng hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch (khoảng 1500 tỷ đồng). Hay việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, chỉ sau 18 ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 (ngày 11/1/2022), Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2021 giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ và cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022... Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu đối với 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Dự kiến, số giảm thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.
"Những chính sách tài khóa rất cụ thể này đã có tác động trực tiếp, tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp phục hồi và hỗ trợ người dân trong tiêu dùng... Việc triển khai các chính sách rất nhanh, hiệu quả tác động rất rõ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về điều hành giá, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc các bộ ngành, địa phương trong thời gian qua (trước và sau tết Nguyên đán) đã chủ động, bám sát tình hình, vào cuộc tích cực, bảo đảm thị trường thông suốt, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của nhân dân, kiểm soát được lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm ổn định vĩ mô cho phát triển kinh tế-xã hội.
Phân tích thêm về mặt hàng xăng dầu, đây là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.
Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua có tình trạng mặt hàng kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm. Tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit-test.
Về dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại năm 2022, áp lực lạm phát tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá, tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Về một số giải pháp điều hành giá trong thời gian tới, trước tiên Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về công tác điều hành giá năm 2022. Căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai các giải pháp giữ vững bình ổn giá trong điều kiện có thể để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát các lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung...
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu. Về giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, giám sát, điều hành, kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Đối với một số dịch vụ công nhà nước định giá theo lộ trình thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, chuẩn bị các yêu tố để có giải pháp phù hợp trong điều kiện thích hợp.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính Bộ Tài chính bám sát nội dung Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021 của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu dự thảo Luật giá (sửa đổi) theo đúng tiến độ, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, quyền lợi hợp pháp của người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giá. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng không thuộc diện kê khai giá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi...