Triển khai mô hình tổng kế toán nhà nước: Cung cấp thông tin đầy đủ và toàn diện
(Tài chính) Ngày 30/5/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 1188/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Tổng kế toán nhà nước (KTNN), đây là nhiệm vụ mới và quan trọng mà Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) có trách nhiệm thực hiện trong thời gian tới.
Tổng KTNN là mô hình tổ chức, vận hành để lập và trình bày báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa bàn, gồm: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo tình hình biến động tài sản nhà nước; Báo cáo lưu chuyển luồng tiền; Các thuyết minh báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính nhà nước của do Tổng KTNN cung cấp phản ánh toàn bộ thông tin về tài chính nhà nước, gồm: Toàn bộ tài sản của Nhà nước, các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước, nghĩa vụ của Nhà nước, các quỹ, các thông tin về ngân sách nhà nước (NSNN) và kết quả hoạt động điều hành tài chính - NSNN, các quỹ ngoài ngân sách, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tài sản khác được xác lập sở hữu Nhà nước, …
So với báo cáo ngân sách nhà nước hiện nay, báo cáo tài chính nhà nước sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện hơn về tình hình tài sản nhà nước, nguồn lực, nghĩa vụ tài chính hiện tại và tiềm năng của đất nước; thông tin để đánh giá hiệu quả chi tiêu công; phân tích khả năng tài chính nhà nước; đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách, việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN của các cơ quan, đơn vị. Về mặt hiệu quả, các thông tin này sẽ là căn cứ đánh giá kết quả hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, UBND các cấp; căn cứ để cung cấp thông tin phân tích dự báo kinh tế; công khai ra công chúng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể nói, việc sử dụng thông tin tài chính do Tổng KTNN cung cấp sẽ rất hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng của các chính sách, quyết định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cần có sự phối hợp và thực hiện của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương từ khâu nghiên cứu cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện, lập và gửi báo cáo, sử dụng thông tin báo cáo.
Triển khai như thế nào?
Thứ nhất : Xây dựng khung pháp lý
Bộ Tài chính cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cần thiết để thực hiện chức năng Tổng KTNN của KBNN trên cơ sở hợp nhất dữ liệu của các đơn vị kế toán nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế. Các văn bản pháp lý quan trọng cần xây dựng và ban hành từ nay đến hết năm 2016, bao gồm: Luật Kế toán bổ sung, sửa đổi quy định các nội dung liên quan đến Tổng KTNN, làm cơ sở để ban hành các văn bản khác; Nghị định của Chính phủ về Tổng KTNN; Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ về Tổng Kế toán nhà nước; Quyết định của ban hành Hệ thống Chuẩn mực kế toán công của Việt Nam; Quyết định ban hành chế độ kế toán thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho các đơn vị hải quan, chế độ kế toán thuế nội địa áp dụng cho các cơ quan thuế; Quyết định bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán các quỹ tài chính, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã.
Ngoài ra, cần ban hành mới các văn bản để hướng dẫn tổ chức vận hành hệ thống, như sau: Quy trình nghiệp vụ tổng hợp thông tin báo cáo của Tổng KTNN; quy chế trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức tham gia Tổng KTNN; quy định các nguyên tắc phối kết hợp giữa các đơn vị tham gia Tổng KTNN; quy định các nguyên tắc đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống thông tin của Tổng KTNN.
Thứ hai : Tổ chức bộ máy và hoạt động triển khai
Mô hình Tổng KTNN được thực hiện theo phương án hợp nhất báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán cấp 1 và các tổ chức ngân sách cấp dưới. Theo đó, bộ máy kế toán tại các đơn vị kế toán khác ngoài hệ thống KBNN không có thay đổi về mặt tổ chức, tuy nhiên cần bố trí, giao nhiệm vụ phù hợp để lập thêm các báo cáo tài chính, cung cấp thông tin đầu vào cho Tổng kế toán nhà nước.
Đối với hệ thống KBNN, cần tổ chức bộ máy kế toán tại KBNN theo phương án sau: Tại KBNN, chuyển đổi Vụ KTNN thành Cục KTNN thuộc KBNN; tại KBNN tỉnh, thành phố (quận, huyện) bổ sung nhiệm vụ cho phòng (tổ) KTNN thuộc KBNN tỉnh, thành phố (quận, huyện).
Giai đoạn từ năm 2016 – 2019, Bộ Tài chính cần thực hiện công tác triển khai tại hệ thống KBBN việc tổng hợp, trình bày các báo cáo của Chính phủ (chính quyền địa phương) theo lộ trình phù hợp. Trong giai đoạn này, Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện các nội dungvề khung pháp lý, tổ chức bộ máy và hệ thống thông tin.
Thứ ba: Thiết lập hệ thống thông tin
Nhằm đảm bảo tổng hợp các thông tin tài chính nhà nước một cách hiệu quả, kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu quản lý. Đối với các đơn vị kế toán nhà nước khác không cần phải thay đổi, xây dựng mới phần mềm kế toán hiện đang được áp dụng tại các đơn vị này. Đối với KBNN, sẽ xây dựng hệ thống thông tin để thực hiện quy trình tổng hợp báo cáo tài chính nhà nhà nước từ báo cáo của các đơn vị. Nội dung này phù hợp với việc tổ chức hệ thống thông tin tài chính Chính phủ (GFMIS).