Triển vọng nguồn nhân lực ngành ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến lĩnh vực ngân hàng. Những tác động này thể hiện trên nhiều mặt như: thay đổi vềmô hình tổ chức kinh doanh, cung cấp sản phẩm dịch vụ, công việc liên quan đến an ninh an toàn bảo mật... Bài viết nghiên cứu về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến nguồn lực ngành Ngân hàng, từ đó đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến lĩnh vực ngân hàng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến lĩnh vực ngân hàng.

Đặt vấn đề

Đối với Việt Nam, từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động nói riêng và của cả nền kinh tế nước ta nói chung còn thấp. Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0).

Thực tế đã chỉ ra, tuy Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" - thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất (năm 2016, lực lượng lao động của cả nước đạt khoảng 54,4 triệu người, chiếm khoảng 58,9% tổng dân số), nhưng nguồn nhân lực của nước ta, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu (N. T. Hiền, Đ. T. B. Hồng, 2017).

Cuộc CMCN 4.0 đang có tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề và ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Trong tương lai, hệ quả rõ ràng nhất bởi tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực ngân hàng chính là các hệ thống ngân hàng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các ngân hàng công nghệ hiện đại. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đang trong thời kỳ của cuộc CMCN 4.0, vấn đề nguồn nhân lực được xem là khâu đột phá, phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhu cầu đào tạo mới nhân lực ngành Tài chính ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam là trên 1,6 triệu người và đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong ngành Ngân hàng khoảng 300.000 người. Những thách thức lớn và hiện hữu của ngành Ngân hàng trước CMCN 4.0, là khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố quyết định đến sự thành công và cạnh tranh về nguồn lực chất lượng cao là yếu tố làm nên sự thành công trong hội nhập (Jan Smit, Stephan Kreutzer, Carolin Moeller & Malin Carlberg, 2016).

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phát triển nguồn nhân lực ngân hàng

Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới như M-POS, Internet banking, Mobile Banking, công nghệ thẻ chip, ví điện tử…; tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm được chi phí giao dịch. Tuy nhiên, nếu đặt sự phát triển nhanh chóng của cách mạng số trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với luồng lao động nội - ngoại được dịch chuyển dễ dàng và cạnh tranh hơn, có thể thấy thách thức cho các lao động Việt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là rất lớn. Có thể thấy một số tác động của CMCN 4.0 đến công tác phát triển nguồn nhân lực ngân hàng như sau:

Tác động đến việc làm

Tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực ngân hàng chính là xu hướng ngân hàng số ngày càng phát triển do đó rất cần nguồn lao động công nghệthông tin (CNTT) để đáp ứng được xu hướng công nghệ số (Brett King, 2017). Hệ thống ngân hàng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các ngân hàng hiện đại, sự thu hẹp của các văn phòng giao dịch sẽ làm giảm một số vị trí việc làm tại ngân hàng như: giao dịch viên, bán lẻ… Thậm chí, một số nhóm nghề này có khả năng bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa, robot... Điều này khiến cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng bị cắt giảm, khiến tình trạng nghỉ việc, thất nghiệp tăng.

Tác động đến đào tạo nguồn nhân lực

Nếu như các nền kinh tế trong khu vực (như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...) đã chuẩn bị lực lượng chất lượng cao thì ở Việt Nam, nguồn nhân lực phân khúc này vẫn còn hạn chế. Ngành Ngân hàng đang tồn tại tình trạng nguồn nhân lực “vừa thừa lại vừa thiếu”, trong đó, rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu gắn với ngân hàng và công nghệ. Theo Lê Thanh Tâm (Viện Ngân hàng - Tài chính, 2018), một trong những điểm yếu lớn của ngành Tài chính – Ngân hàng hiện nay là khan hiếm nghiêm trọng nguồn lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế… và đặc biệt là các chuyên gia Tài chính – ngân hàng có bằng cấp quốc tế. Theo khảo sát của IDG (2017), tại Việt Nam nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số chưa cao, các chương trình đào tạo đại học thay đổi rất chậm so với xu thế. Trong khi đó, hiện nay nhiều trường đại học tại Mỹ đã đưa các giáo trình về trí tuệ nhân tạo, học máy vào giảng dạy... Thực tiễn này, đòi hỏi cần quan tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ khả năng ứng dụng CNTT, phương thức làm việc tiên tiến trong điều kiện số hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tác động đến chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài

Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là trình độ nghiệp vụ ngân hàng mà đi liền với đó là kỹ năng vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường CNTT. Tuy nhiên, để tuyển dụng được nguồn nhân lực này thì cần có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài hấp dẫn. Về vấn đề này, các ngân hàng ngoại có lợi thế hơn các ngân hàng nội nhờ tiềm lực tài chính, môi trường làm việc và chế độ lương, thưởng, ưu đãi... .

Tác động đến chính sách tuyển dụng

Trước thực trạng lỏng lẻo trong bảo mật thông tin khách hàng và tình trạng cán bộ, nhân viên tiếp tay cho các vụ vi phạm những năm gần đây, các ngân hàng cần xem lại chính sách tuyển dụng và điều chỉnh một cách phù hợp; Cần khắt khe hơn về tính cách, đạo đức của ứng viên nhằm bảo mật thông tin một cách tuyệt đối. Các ngân hàng cũng nên ứng dụng các công cụ giúp kiểm định nhân cách của ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Ngoài ra, những vị trí quản lý hoặc chuyên gia cấp cao cần có sự hỗ trợ của các công ty tư vấn tuyển dụng, nhằm giảm thiểu nguy cơ tuyển dụng những ứng viên không phù hợp trên phương diện này...

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, với sự phát triển quá nhanh của công nghệ hiện nay, sẽ còn phát sinh thêm nhiều chức danh, việc làm mới. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia ngân hàng, rất có thể sẽ có nhiều công việc, chức danh công việc sẽ không được trao cho các nhân lực người Việt mà rơi vào tay người nước ngoài. Bởi nếu không quá chú trọng tới yếu tố chi phí lương và thu nhập mà chỉ quan tâm tới mục tiêu và chất lượng cho mỗi đầu chức danh công việc cần đạt được, các ngân hàng sẽ không ngần ngại chi lương thưởng cao để thu hút người tài, người nước ngoài vào làm việc để có thể hiện thực hóa khát vọng vươn ra hoạt động tại các thị trường khu vực và quốc tế.

Tác động đến việc vận hành hạ tầng công nghệ

Trước xu thế tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, thị trường lao động trong ngành Ngân hàng sẽ thay đổi theo hướng giảm giao dịch viên, giao dịch chi nhánh… và gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và CNTT. Do vậy, để đáp ứng việc chuyển đổi theo mô hình công nghệ hiện đại, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam đều đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành chính xác, hiệu quả hạ tầng này trong. Hiện nay, nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao còn ít so với nhu cầu của ngành, nhất là đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin. Chính sự thiếu hụt này dẫn đến công tác phát triển ứng dụng CNTT cũng như quản lý, kiểm soát an toàn bảo mật không tương xứng với nhu cầu hoạt động của ngân hàng, không đảm bảo an toàn bảo mật, dễ rơi vào tình trạng lúng túng, bị động trước những cuộc tấn công quy mô lớn, có tổ chức của tội phạm công nghệ cao. Các nghiên cứu cho thấy, một khi không có nguồn nhân lực đủ mạnh, thì không thể vận hành hiệu quả hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong thời đại kỹ thuật số.

Đề xuất, kiến nghị

Để tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức từ CMCN 4.0, các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược, thực hiện quá trình chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số dựa trên ứng dụng công nghệ số, công nghệ và mô hình sáng tạo của thời đại 4.0. Mục tiêu cuối cùng của quá trình này nhằm giúp các ngân hàng có thể kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng, cung ứng sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng số, tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội và tăng sự gắn kết khách hàng.

Trong bối cảnh đó, chất lượng nguồn nhân lực được xem là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của CMCN 4.0 và quá trình hội nhập của ngành Ngân hàng hiện nay. Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng, mà đi liền với đó là kỹ năng về vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường CNTT… Trong thời gian tới, đểđảm bảo sựphát triển bền vững, gắn với xu thếphát triển của ngành Ngân hàng trong cuộc CMCN 4.0, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, cần chútrọng một sốvấn đềsau:

Về phía Ngân hàng Nhà nước

- Ngành Ngân hàng cần tiếp tục tích cực triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó, tập trung vào hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia. Đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng mà ngành Ngân hàng chú trọng là khâu đào tạo nguồn nhân lực để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc CMCN 4.0.

- Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực: Theo đó, cần dự báo nguồn nhân lực trong từng thời kỳ để có kế hoạch đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo khung trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; xây dựng bộ giáo trình chuẩn theo tiêu chuẩn ở những quốc gia phát triển có chỉnh sửa cho phù hợp trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức ngành Ngân hàng...

Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập của ngành Ngân hàng nước ta. Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng, đi liền với đó là kỹ năng vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường công nghệ thông tin…

Về phía ngân hàng

- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh doanh cơ bản cho cán bộ hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường kinh doanh. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao nhằm tạo sự đột phá về tư duy và kỹ năng quản lý, tạo tiền đề cho việc triển khai các kế hoạch cải cách và chấp nhận sự thay đổi ở các cấp điều hành và cấp thực hiện.

- Các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ tài chính và cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn. Việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu phát triển của ngân hàng và trong quá trình đào tạo, sinh viên các trường đại học có thể tham gia thực tế công việc tại các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính. Các trường đại học cần khơi dậy và khuyến khích được tư duy khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các chương trình liên quan đến khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng, tài chính. Tuy nhiên, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp này gắn kết và nhận được tư vấn của chuyên gia, sự hỗ trợ từ phía nhà trường và bộ phận hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm của các ngân hàng và doanh nghiệp fintech… qua đó có thể biến những ý tưởng thành dự án hiện thực và góp phần đào tạo được một lực lượng nhân lực đủ mạnh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn được đào tạo qua thực tiễn công việc.

- Các ngân hàng cần quan tâm đến các chính sách tuyển dụng và đãi ngộ hấp dẫn. Theo đó, để có thể phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, về lâu dài, các ngân hàng trong nước cần tiếp tục có các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng... vànghiên cứu chỉnh sửa hợp lý nhằm thu hút được nhân tài phục vụ lâu dài cho ngành Ngân hàng. Cùng với đó, công tác tuyển dụng cũng cần khắt khe hơn, không chỉ đòi hỏi về trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ, kỹ năng mềm mà các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp cung cần phải quan tâm hơn.

Về phía cơ sở đào tạo

- Nâng cao chất lượng đào tạo lao động trong thời kỳCMCN 4.0: Theo đó, cần đầu tư hệ sinh thái phù hợp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0. Các chương trình giảng dạy cần thay đổi nhiều hơn để sẵn sàng cho nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của ngành Ngân hàng, tránh việc chảy máu chất xám. Bên cạnh đó, cần chú trọng tới đào tạo liên ngành từ trong trường đại học như: CNTT trong tài chính - ngân hàng, phân tích kinh doanh, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, digital banking, quản trị CNTT… Các trường đại học cũng cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.

- Các trường không chỉ đổi mới chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy cũng cần được đổi mới mạnh mẽ. Trong thời kỳ kỹ thuật số như hiện nay, các trường đại học cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo các nghề về công nghệ thông tin, blockchain, trí tuệ nhân tạo để đáp ứng về nhu cầu nhân lực trong CMCN 4.0… Đồng thời, chú trọng trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng CNTT và khả năng sáng tạo để phục vụ công việc sau này.

- Các trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Ngân hàng cần xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường, không nên đào tạo chạy theo số lượng mà bỏ qua đến chất lượng đào tạo, từ đó dẫn tình trạng cung lớn hơn cầu lao động

- Trước làn sóng CMCN 4.0 đang có dấu hiệu tác động mạnh mẽ hơn đến lĩnh vực ngân hàng như hiện nay, đối với những sinh viên chuyên ngành Ngân hàng cần có định hướng rõ ràng đối với vị trí công việc sau khi tốt nghiệp. Theo đó, có thể cân nhắc các vị trí trong bộ phận CNTT, kiến trúc cơ sở hạ tầng mạng, hoặc kỹ sư phát triển phần mềm… Đây là những công việc sẽ phát triển ổn định trong tương lai trong bối cảnh thay đổi bởi cuộc CMCN 4.0. Do vậy, ngay từ trong giảng đường, ngoài những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng, sinh viên cũng nên chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng hiện đại, có hiểu biết về CNTT, thương mại điện tử… Đây sẽ là một lợi thế và điểm cộng quan trọng để các sinh viên có cơ hội thành công nhiều hơn trong ứng tuyển vào làm việc tại các ngân hàng thương mại.

Kết luận

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, các ngân hàng vẫn loay hoay với “vòng luẩn quẩn”: thừa thì vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thềm CMCN 4.0. Với CMCN 4.0, các chuyên gia cho rằng, ngành Ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ dịch “chảy máu” chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài. Do vậy, việc triển khai các giải pháp trên sẽ góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cuộc CMCN 4.0.

Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0;
2. Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Vietnam (2017), Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam;
3. Nguyễn Thị Hiền & Đỗ Thị Bích Hồng (2017), Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Tạp chí điện tử Tài chính;
4. Minh Khôi (2018), Nhà băng “khát” nhân sự thời 4.0, Thời báo Ngân hàng điện tử;
5. Đỗ Lê (2018), Nhân sự ngân hàng - những nỗi lo hiện hữu, Thời báo Ngân hàng điện tử;
6. Thùy Dương (2018), Ngành ngân hàng thích ứng như thế nào với cách mạng công nghiệp 4.0?, Truy cập từ bnews.vn;
7. Brett King (2017), Bank 3.0 tương lai của Ngân hàng trong kỷ nguyên số, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;
8. Một số website: sbv.gov.vn, thoibaonganhang.vn, tapchitaichinh.vn, thuvienphapluat…