Ngân hàng số - tương lai tất yếu của các ngân hàng thương mại
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân qua các giao dịch trực tuyến.
Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.
Đây là yêu cầu của Chính phủ đối với ngành ngân hàng trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 986/QĐ-TTg.
Trong các nội dung triển khai của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số (digital banking) là một trong những nội dung quan trọng được đề cập vì đây được xem là tương lai tất yếu của hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng số được hiểu là sự kết hợp các công nghệ đang phát triển và công nghệ mới trong các tổ chức dịch vụ tài chính nhằm phù hợp với những thay đổi trong các mối quan hệ bên trong và bên ngoài để cải tiến dịch vụ và trải nghiệm khách hàng một cách hiệu quả, nâng cao năng lực thích ứng với môi trường kinh doanh cạnh tranh cao và nâng cao năng lực quản trị kinh doanh của ngân hàng thương mại trong tương lai gần.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) ngân hàng số sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, tăng doanh thu; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới khách hàng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, thu hút khách hàng tốt hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh; tạo thuận lợi cho việc triển khai tuân thủ các chính sách kết nối, chia sẻ dữ liệu mở và đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ bí mật khách hàng…
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) triển khai các ứng dụng mạng, tận dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo nên nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng.
Ngân hàng số hiện đang là xu thế phát triển của các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân.
Ngân hàng số là hình thức thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng trực tuyến thông qua Internet. Mọi hoạt động của khách hàng đều qua các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, laptop.
Nói cách khác, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dần được chuyển dịch sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Một số ngân hàng Việt Nam đã thử nghiệm các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa như sử dụng các giải pháp e-banking để cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB); ứng dụng MyVIB của VIB; ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của Tập đoàn IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết trong 5 năm tới MB sẽ tập trung phục vụ nhóm khách hàng trẻ thế hệ 8x, 9x với giải pháp trọng yếu là ngân hàng số ứng dụng công nghệ 4.0; trong đó, MB xây dựng khối ngân hàng số riêng tập trung cho các tiện ích dịch vụ ngân hàng.
Từ đó ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm quan trọng là MB app để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ cơ bản nhất mà không cần đến ngân hàng từ dịch vụ thanh toán, thanh toán hóa đơn, tiết kiệm số.
Ông Lưu Trung Thái nói: "MB phấn đấu hàng năm có từ 1-2 triệu người dùng mới, hiện nay hệ thống MB đã có hơn 1 triệu khách hàng và các giao dịch thông qua hệ thống này đã chiếm trên 50% trên tổng giao dịch của ngân hàng.”
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, việc phát triển ngân hàng số không chỉ có thuận lợi mà cũng có nhiều thách thức; trong đó phải kể đến việc phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kiểm soát đúng định hướng các hoạt động thanh toán, bảo đảm tăng trưởng nhanh, gắn liền với an toàn, hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai và phát triển các dịch vụ ngân hàng theo hướng số hóa sẽ gặp khó khăn do mức độ đa dạng hóa loại hình dịch vụ trong ngành ngân hàng vốn dĩ đã không cao, chủ yếu tập trung vào cung ứng các dịch vụ ngân hàng truyền thống là huy động vốn, cho vay và thanh toán.
Các dịch vụ mới với nhiều tiện ích khó triển khai còn do hạn chế về hạ tầng kỹ thuật công nghệ, nhận thức của người dùng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại, nguồn nhân lực chưa đáp ứng.
Tiếp đến là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng trong cuộc đua về công nghệ và sự xuất hiện của những công ty Fintech.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vị thế chiếm lĩnh thị trường của nhiều "ông lớn" ngân hàng với mạng lưới chi nhánh rộng khắp có thể bị đe dọa bởi những ngân hàng, công ty Fintech trẻ với bộ máy tinh gọn, phát triển nền tảng số hoàn thiện.
Do đó về định hướng phát triển dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code…
Bên cạnh đó, trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rõ khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức công nghệ tài chính các tổ chức phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để phát triển mạng lưới đại lý cho ngân hàng với chi phí thấp.
Ngành ngân hàng cũng khuyến khích tạo môi trường pháp lý thích hợp cho việc phát triển các tổ chức công nghệ tài chính an toàn, hiệu quả; ban hành chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính.