Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2019


Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá nhưng khó có thể vượt mức tăng trưởng của năm 2018. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kinh tế Việt Nam năm 2018

Tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng "bức tranh" kinh tế Việt Nam năm 2018 đã khép lại với "gam màu sáng" nhờ những nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế. Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 7, 08%, con số này cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao nhất trong 10 năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm (2016 - 2018) tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm được kiểm soát dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 tăng khoảng 15% (cùng kỳ tăng 12,21%), tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất siêu đạt trên 5,4 tỷ USD là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước tăng trên 17,5%, cao hơn khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (14,6%). Thị trường trong nước được chú trọng phát triển; thương mại điện tử tăng bình quân 30%/năm. Công tác quản lý thị trường, điều hành giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước cả năm 2018 vượt 3% dự toán; cơ cấu thu bền vững hơn; tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Công tác kiểm tra, thanh tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá được chú trọng. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016 - 2020 (25 - 26%). Mặc dù, hàng năm vẫn bảo đảm nguồn tăng lương cơ sở 7%, nhưng tỷ trọng chi thường xuyên vẫn giảm còn 63,3%, thấp hơn đầu nhiệm kỳ (năm 2015 là 67,7%) và kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%). Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%), dự kiến đến năm 2020 còn 3,4% (mục tiêu đề ra là dưới 4%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP, 3 năm (2016 - 2018) ước đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%). Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm; tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 40,8%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (38,3%). Vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng; chỉ số ICOR giai đoạn 2016 - 2018 ở mức 6,32, thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,91).

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chính phủ đã thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN). Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế...

Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế được tập trung thực hiện, đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Các ngành, địa phương tích cực triển khai các Nghị quyết Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại DN nhà nước (DNNN), phát triển kinh tế tư nhân… Kết cấu hạ tầng được tiếp tục quan tâm đầu tư, nhiều công trình quan trọng được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hạ tầng đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa ước 38,4%, đạt sớm hơn chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 (38 - 40%). Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được đổi mới theo nhu cầu thị trường. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm còn 38,2% (mục tiêu đến 2020 là dưới 40%), lao động công nghiệp, dịch vụ và nhân lực có trình độ cao tăng.

Những vấn đề còn tồn tại

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2018 vẫn còn một số tồn tại hạn chế sau:

Thứ nhất, sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...

Thứ hai, tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm.

Thứ ba, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Mặc dù tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ). Sự sụt giảm về thứ hạng có do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá nhưng cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của DN, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục.

Thứ tư, Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Thứ năm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, DN.

Thứ sáu, chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa gắn với nhu cầu xã hội. Vấn đề phát triển thị trường khoa học công nghệ còn nhiều trở ngại; Tham nhũng vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội…

Triển vọng phát triển kinh tế  Việt Nam năm 2019

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam bước sang năm 2019 tiếp tục có những yếu tố thuận lợi nhất định, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thử thách. Trước hết, năm 2019 Việt Nam có những thuận lợi cơ bản sau:

Thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018 ở mức cao và tình hình kinh tế - xã hội ổn định là cơ sở để duy trì tốc độ tăng trưởng cho năm 2019.

Thứ ba, khu vực DNNN được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả hơn sau quá trình tái cấu trúc thông qua cổ phần hoá và thoái vốn, cũng như những tiến triển mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh những thuận lợi, trong năm 2019, kinh tế nước ta vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ và đưa sản xuất về trong nước của một số nước phát triển sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu các DN Việt Nam không nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm thì sẽ khó có thể tồn tại và phát triển.

Việc nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao năm 2018 cũng là một thách thức cho tăng trưởng năm 2019, nhất là trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nông nghiệp đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho nước ta, nhất là đối với lĩnh vực lao động việc làm với cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp.

Mặc dù, gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 đã khép lại với gam màu sáng nhờ những nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế. Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%).

Trước bối cảnh đó, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá nhưng khó có thể vượt mức tăng trưởng của năm 2018. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV năm 2018, Chính phủ đã đưa kế hoạch phát triển kinh tế năm 2019. Mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Theo đó,  một số chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế năm 2019 như sau:  Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%;  Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cần có sự quyết tâm một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy những thế mạnh của năm 2018, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm và phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cán bộ.

Thứ hai, Chính phủ, các bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.

Thứ ba, nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc CMCN 4.0, đề xuất giải pháp cụ thể đối với một số lĩnh vực để Việt Nam sớm hòa chung vào dòng chảy của cách mạng công nghiệp trên thế giới.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả dạy nghề, khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo với cơ sở nghiên cứu và DN; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát triển hiệu quả thị trường khoa học, thị trường lao động.

Thứ năm, chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh nông thôn; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Thứ sáu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.