Triển vọng phục hồi của ngành dệt may

Theo Linh Nga/diendandoanhnghiep.vn

Con số xuất khẩu dự kiến cả năm 2021 dệt may Việt Nam sẽ đạt 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2020. Hai tháng còn lại của năm, xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỷ USD mỗi tháng, cả năm có thể đạt khoảng 38 tỷ USD.

Theo Vitas trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy dệt may phải tạm dừng sản xuất, hoặc giảm công suất xuống còn 20-40% trong nhiều tháng liền, ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.

Nhưng đến nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động đã quay trở lại làm việc ở các nhà máy với tỷ lệ 92 - 93%.

Sợi là lĩnh vực đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của dệt may năm nay, với 4,5 tỷ USD trong 10 tháng và dự kiến cả năm khoảng 5,3 tỷ USD. Ngoài ra xuất khẩu vải cũng có thể đạt khoảng 2,4 tỷ USD đến cuối năm nay.

Ngoài các mặt hàng truyền thống, Việt Nam cũng xuất lượng lớn sản phẩm vải làm lốp xe, vải làm đường vào các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Canada... với trị giá gần 640 triệu USD trong 10 tháng qua, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2020.

Chủ tịch Vitas cũng chia sẻ, trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên đã có số lượng nhất định đơn hàng giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13%-14%. Tuy vậy, có dấu hiệu các đơn hàng quay lại (niên vụ 2022) kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về kiểm soát, sống chung với Covid-19 trong tình hình mới.

“Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin vào mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỷ USD dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu", ông Giang kỳ vọng.

Triển vọng phục hồi của ngành dệt may - Ảnh 1

Song để đạt mục tiêu này, theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, ngành dệt may phải bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, thị trường khối CPTPP và EVFTA.

Tại buổi giới thiệu Cotton Day Vietnam 2021 - Diễn đàn đặc biệt về bông bền vững sẽ diễn ra ngày 1/12 tới, ông Vũ Đức Giang cho biết thông tin Nike và Adidas chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam hồi tháng 8, 9 vừa qua là không chính xác. Thực tế, các nhãn hàng này có hệ thống sản xuất ở Việt Nam trong hai lĩnh vực may mặc và giày da song không hề đầu tư nhà máy.

"Tính đến thời điểm tháng 10 khi chúng ta mở cửa trở lại, tại Tổng Công ty May Việt Tiến, nhãn hàng Nike cũng chưa chuyển đơn hàng nào đi bởi không chọn được nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của họ về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá như ở Việt Nam", ông Vũ Đức Giang thông tin.

Theo nhận định của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), mặc dù đối mặt với những bất định, song với tình hình kinh tế phục hồi, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…sẽ trở về mức ngang bằng năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Vinatex cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2022. Ở kịch bản cao, sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, đã có trên 80% lao động trở lại nhà máy, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.

Kịch bản trung bình, khi sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, đã có trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD. Và ở kịch bản thấp, quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD…

Về dự báo triển vọng năm 2022, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) cho rằng, năm 2022, tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới sẽ đi xuống, khả năng kiểm soát dịch tốt hơn, khi đó thị trường sẽ ấm lên. Sau khoảng 2 năm thị trường dệt may toàn cầu bị “áp lực” quá lớn, nếu phục hồi nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, các đối thủ với Việt Nam hiện cũng chưa có quá nhiều ưu thế hơn so với Việt Nam.