Triển vọng tăng trưởng kinh tế 2017

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2016 đã khép lại với GDP tăng ở mức 6,2%. Tuy thấp hơn mục tiêu đã đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn thì mức tăng này đã là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Những thành quả nào của năm 2016 sẽ tạo đà cho năm 2017? Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới sẽ trao đổi về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Xuất khẩu sẽ gặp khó

Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về diễn biến kinh tế thế giới trong năm 2017? Và đâu là những yếu tố có thể tác động đến kinh tế Việt Nam?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Năm 2017 có thể có nhiều biến động, theo chiều hướng tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục yếu đi, thậm chí yếu hơn 2016 là do chấn động từ việc nước Anh rời khỏi châu Âu, bầu cử Tổng thống Mỹ với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc chính thức nổi lên. Dự báo thương mại, đầu tư của thế giới có thể ảnh hưởng theo hướng suy giảm, kéo theo là năng suất lao động không thể tăng được, trong bối cảnh năng suất lao động của thế giới rất thấp.

2017 sẽ là năm khó khăn, mà các yếu tố tác động đến Việt Nam về thị trường xuất khẩu sẽ gắn với thế giới rất nhiều, tăng trưởng kém thì cầu kém. Thứ hai là các vấn đề gần gũi như TPP về cơ bản không còn. Thêm nữa, đồng USD vào thời điểm này cũng tăng lãi suất, trong khi đồng tiền khác mất giá rất nhiều như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 11%. Về cơ bản chính sách của chúng ta vẫn ổn định, neo vào USD khá chặt nên sẽ gặp khó khăn về xuất khẩu.

Nếu không có TPP, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu bình thường, nhưng nếu có sẽ tốt lên. Vì khi Việt Nam hưởng lợi ích từ TPP thì đầu tư nước ngoài sẽ vào nhiều. Dòng vốn FDI thời điểm vừa qua tăng rất tốt, doanh nghiệp muốn vào đầu tư xuất phát từ Việt Nam để được hưởng lợi khi xuất khẩu.

Trong trường hợp không có TPP, xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm. Chúng tôi lo ngại nhất không phải về TPP mà là tỷ giá, sẽ khiến hàng hóa của chúng ta mất tính cạnh tranh. Trước đây, tăng trưởng của chúng ta rất cao, thậm chí khi thế giới khó khăn vào 2008 - 2010, chúng ta tăng trưởng 20%. Trong thời gian này, kinh tế ổn định chúng ta chỉ tăng trưởng trên 7%, sức cạnh tranh bị mài mòn dần đi.

Với những hiệp định Thương mại khác liệu chúng ta có thể đẩy mạnh khai thác để bù lại không, thưa ông?

Tôi nghĩ chúng ta phải tiến hành khai thác theo các bước, quy trình đó thôi. Khai thác theo các hiệp định, phát triển thêm thị trường, các lĩnh vực về hàng hóa, giao thương, chúng ta mới phát triển được. Nên lưu ý rằng, khi không có TPP, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, thì các hiệp định mà chúng ta đang thực hiện, người ta cũng có thể không nhiệt tình nữa, sẽ bị ảnh hưởng. Nên chuẩn bị theo hướng phải có cảnh báo, vì đang có những chiều hướng không như mình mong muốn.

Ổn định tỷ giá

Ở trong nước, theo ông, những mặt tích cực nào của nền kinh tế trong năm qua có thể tiếp tục phát huy, thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay?

Năm vừa rồi có một số tín hiệu đáng mừng. Chính phủ, Ngân hàng Trung ương cũng đã tích cực giữ cho nền kinh tế cân bằng. Có được tốc độ tăng trưởng như năm vừa qua cũng rất đáng mừng. Những năm tiếp theo, chúng ta vẫn phải có chính sách duy trì, đối phó với khó khăn, giữ cho tiền tệ ổn định, lạm phát dưới 5%. Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể làm được việc đó dù rất vất vả. Quan trọng nhất thời điểm này là phải giữ được cân bằng, nỗ lực về cung ứng tín dụng, giữ ổn định tỷ giá.

Bên cạnh những thuận lợi, chuyển biến tích cực của nền kinh tế, thì theo ông, những tồn tại, vướng mắc nào cần được giải quyết căn cơ, rốt ráo hơn trong năm nay?

Tôi nghĩ là còn nhiều tồn tại và phải làm quyết liệt. Thứ nhất, phải giải tỏa được nợ xấu. Đến nay chúng ta loay hoay rất nhiều mà chưa giải quyết được nợ xấu cho hệ thống ngân hàng khỏe lên. Thứ hai là cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng thu nhỏ lại để tạo sân chơi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân mới phát triển lên được. Chính phủ tỏ ra khá quyết tâm trong việc này. Nâng cao cải cách hành chính, Chúng ta đã nói rất nhiều năm nhưng tôi thấy 1 - 2 năm gần đây không còn mạnh mẽ như trước. Nếu không làm thì doanh nghiệp không thể nào có môi trường tốt được.

Kinh tế tư nhân tuy được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng cần có thêm những chính sách cụ thể như thế nào để phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là môi trường, thể chế. Chúng ta cứ hình dung, làm sao khu vực tư nhân làm việc được khi môi trường thể chế mà chỉ có doanh nghiệp nhà nước được hưởng ưu đãi. Thứ hai, nếu như chính sách vĩ mô không thay đổi quan điểm về sử dụng tỷ giá, chúng ta sẽ tiếp tục lún sâu vào việc làm ra sẽ lỗ không thể phát triển lên được. Ngoài ra, Chính phủ phải có chương trình, hoặc đạo luật, làm sao để khẳng định nhà nước có nguồn vốn cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ để có thể tiếp cận được. Quy định rõ, ai cấp, cấp theo tiêu chuẩn nào?

Theo đánh giá của Chính phủ thì sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Theo ông, cần có giải pháp căn bản nào để khắc phục?

Vấn đề thể chế, nếu chúng ta không làm tốt thì việc chờ đợi thủ tục, phiền hà về nhập hàng, xuất hàng đi nằm ở chi phí giá cả. Cơ sở hạ tầng nếu không nâng cấp, thay đổi được thì chi phí sẽ rất cao. Về giáo dục, nếu chúng ta đào tạo sinh viên ra trường không có kiến thức áp dụng vào cuộc sống thì cũng phải đào tạo lại. Chính sách về tỷ giá, nếu chúng ta không làm, trong bối cảnh 2017 rất nhiều đồng tiền mất giá, kể cả Nhân dân tệ phá giá mà cứ ngồi không, chúng ta sẽ yếu dần, mất sức cạnh tranh sẽ càng lớn.

Xin cảm ơn ông!