Triển vọng thị trường chứng khoán 2020
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu năm 2019 thăng hoa nhưng VN-Index trên TTCK Việt Nam kết thúc năm lùi về mức 960 điểm, sau khi đã vượt được 1.000 điểm vào đầu tháng 11-2019. Năm 2020, TTCK kỳ vọng có nhiều mảng sáng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ.
Kỳ vọng vốn ngoại
Kết thúc năm 2019, VN-Index tăng gần 8% so với năm trước. Tuy nhiên, với mức giảm khoảng 80 điểm (tương đương 7%) của VN-Index chỉ trong tháng 11-2019, nhiều cổ phiếu đã mất toàn bộ thành quả tích lũy vài tháng trước khiến các nhà đầu tư thua lỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với nhà đầu tư giá trị, việc thị trường giảm mạnh là cơ hội để tích lũy thêm các cổ phiếu với mức giá rẻ hơn. Thực tế cho thấy, trong tháng cuối của năm 2019, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đã nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, sau khi giảm giá khá nhiều trước đó.
Các nhóm cổ phiếu vốn hóa sau khi giảm mạnh cũng đã có lực cầu khá tốt. Theo các chuyên gia trong ngành, về mặt giá trị cơ bản, dựa trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và hệ số P/E (thị giá thu nhập trên mỗi cổ phần) bình quân của các công ty niêm yết trên sàn, VN-Index có mức định giá hợp lý ở thời điểm cuối năm 2019 là 1.050 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền tạm thời chưa ủng hộ kịch bản này, trong khi chính dòng tiền mới là yếu tố quyết định đến diễn biến ngắn hạn của chỉ số. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2019 giảm mạnh nên kết thúc năm, VN-Index đóng cửa ở mức 960,99 điểm.
Về việc này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, tuy thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm 29% nhưng lại tăng trên thị trường trái phiếu. Sự suy giảm thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đã có dữ liệu trước, không bất ngờ vì trong bối cảnh chiến tranh thương mại, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, các quỹ đầu tư ngoại có xu hướng rút vốn, thì việc cân nhắc giải ngân mới của nhà đầu tư cũng thận trọng hơn.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều ẩn số khó lường và các nền kinh tế phát triển (như Mỹ) vẫn khả quan, ít có khả năng dòng tiền lớn từ khối ngoại sẽ đổ vào Việt Nam trong năm nay. Do đó, thanh khoản thị trường sẽ chưa có nhiều cải thiện trong năm 2020.
Nhìn lại năm 2019, kinh tế tăng trưởng tốt nhưng TTCK được nhìn nhận là chưa có sự phát triển đồng nhịp. Thế nhưng, TTCK Việt Nam năm 2020 được đánh giá sẽ có những yếu tố tích cực hơn, nhất là trong 6 tháng đầu năm vì năm 2019 để dành một phần dư địa hỗ trợ cho thị trường trong năm nay. Cùng với đó, các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi được đẩy mạnh triển khai. Chính sức ép từ nâng hạng thị trường sẽ thúc đẩy cơ quan quản lý thực thi sâu rộng hơn các bước cải cách, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế.
Khi TTCK Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các chuẩn mực quốc tế sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới. Đặc biệt, sau khi Luật Chứng khoán mới được ban hành, điều thị trường trông đợi là sớm có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Mặc dù vậy, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những yếu tố được kỳ vọng khiến hoạt động của khối ngoại trên TTCK năm 2020 tích cực hơn. Đó là: Quỹ ETF chủ chốt có khả năng tiếp tục thu hút tiền từ Thái Lan và Hàn Quốc; TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 lên 30% khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market; diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có những khởi sắc, kỳ vọng các ETFs mới dành cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại sẽ được ký duyệt vào đầu năm 2020.
Cùng với đó, hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa có thể sôi động trở lại trong năm 2020, TTCK Việt Nam cũng có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài
Tích cực những tháng đầu năm mới
Đánh giá về TTCK năm 2020, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt, (VDSC) cho rằng, so với bức tranh ảm đạm vào đầu năm 2019 (chủ yếu do yếu tố bên ngoài tác động) thì năm 2020 có phần khả quan hơn. Trong năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 này, các chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì tốt.
Dự báo VN-Index có thể dao động ở ngưỡng 950 - 1.120 điểm trong năm 2020. Chính phủ vẫn thể hiện quan điểm nhất quán trong việc kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như bất động sản và chứng khoán.
Như vậy, mặc dù tăng trưởng tín dụng sẽ được duy trì tương đương năm 2019 và lãi suất có khả năng giảm, nhưng TTCK sẽ được hưởng lợi từ diễn biến này. Xét về yếu tố cơ bản, Việt Nam đã vượt qua các nước khác trong khu vực về tăng trưởng GDP cũng như kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái.
Chính phủ đã và đang thực hiện cải cách thể chế cùng các hành động hỗ trợ nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Thống kê Bloomberg cho thấy, dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của 50 công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường trong năm 2020 sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng trong năm 2019 (khoảng 22% so với 16%).
Rủi ro (nếu có) lớn nhất vẫn đến từ diễn biến chính trị và bức tranh thương mại toàn cầu, hơn là các vấn đề nội tại trong nước. Do đó, tác động về mặt tâm lý thị trường là không lớn. Ngược lại, điểm tích cực để thu hút dòng tiền nội năm 2020 là tăng trưởng lợi nhuận cao, cộng với hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa hồi phục.
Theo VDSC, căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu và sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển đang khiến những thị trường cận biên trở nên kém hấp dẫn. Do đó, khó kỳ vọng dòng tiền lớn, kể cả khối ngoại lẫn trong nước sẽ gia nhập thị trường, giúp VN-Index tăng mạnh.
Thay vào đó, xu hướng tăng chỉ diễn ra ở các nhóm cổ phiếu riêng lẻ, nên năm 2020 là năm cần đề cao chiến lược đầu tư chọn lọc từ dưới lên (bottom up). Các công ty có hoạt động kinh doanh gắn liền với tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước và đầu tư cơ sở hạ tầng là những công ty mà các nhà đầu tư có thể xem xét.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu có lợi tức cao sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư sợ rủi ro. Công ty Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS) cũng nhận định, hiện các nhà đầu tư đã hướng sự chú ý sang các cổ phiếu có khả năng tạo lợi nhuận cao trong năm nay.
Theo đó, những nhóm ngành kỳ vọng tích cực trong năm 2020 nổi bật là thép, xây dựng, khi hoạt động đầu tư công tăng cường trở lại. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có thể tạo sóng mới khi nhiều cổ phiếu ngân hàng sẽ niêm yết vào năm sau và cao điểm hoàn thành áp dụng chuẩn Basel II. Do đó, ngành ngân hàng khả năng lớn tiếp tục là đầu tàu của TTCK, vì là ngành song hành cùng nền tảng vĩ mô.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước TRẦN VĂN DŨNG:
Nhiều giải pháp phát triển
Dòng vốn ngoại mua ròng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam năm 2019 hơn 2,7 tỷ USD. Danh mục chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vào cuối năm 2019 là 36,4 tỷ USD, tăng so với mức hơn 34 tỷ USD của năm 2018. Quy mô TTCK 2019 cũng tăng hơn 10% so với năm 2018. Các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua rất tốt, thị trường trái phiếu chính phủ và cổ phiếu có sự phát triển, các thương vụ M&A tiếp tục gia tăng… Với những nền tảng tích cực trên cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, nhiều giải pháp phát triển TTCK đang được thúc đẩy, chúng tôi có cái nhìn tích cực về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong năm 2020.
--------------------------
Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH:
Thị trường diễn biến khả quan trong quý 1
Trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, xu hướng đầu tư vào cổ phiếu của các nhà đầu tư trên thế giới ngày càng trở nên tích cực. Thực tế xu hướng này cũng diễn ra trên TTCK Việt Nam trong tháng cuối năm 2019, mặc dù nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng nhưng chỉ tập trung cục bộ vào một số cổ phiếu, trong khi có việc mua ròng ở nhiều cổ phiếu khác. Thị trường kỳ vọng xu hướng này sẽ thể hiện rõ hơn trong những tháng đầu năm 2020. Có thể thấy, rủi ro trong năm 2020 ít hơn khá nhiều so với năm trước. Khó có thể dự đoán về xu hướng TTCK trong cả năm 2020 nhưng ít nhất trong quý 1-2020, thị trường sẽ có diễn biến khả quan.