Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 2/2024
Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng đã đi qua vùng đáy từ cuối năm 2023, đang khởi động cho xu hướng tăng mới, nên nhà đầu tư có thể "canh nhịp" điều chỉnh để mua trong mùa Xuân này.
Dập dìu sóng tháng Giêng
VN-Index đã có một khởi đầu đầy tích cực cho năm 2024 với mức tăng 3% trong tháng 1 khi mà dòng tiền bắt đầu có sự tập trung ở ngành Ngân hàng, hỗ trợ đáng kể bởi sự quay trở lại của nhóm nhà đầu tư nước ngoài cùng với sự tăng trưởng 22% của lợi nhuận quý IV/2023.
Kết quả quý IV/2023 của ngành Ngân hàng là động lực dẫn dắt chính cho mức tăng trưởng 29% của lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, bên cạnh sự phục hồi lợi nhuận của các ngành như nguyên vật liệu cơ bản (lãi 4.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022, ngành này lỗ 1.100 tỷ đồng), hàng tiêu dùng (+86%). Nhóm ngành Dịch vụ Tài chính tăng mạnh 373% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế nhóm ngành Bất động sản giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi phản ánh diễn biến của lợi nhuận quý IV/2023, định giá P/E của VN-Index điều chỉnh về mức 13,6 lần, thấp hơn 10% so với mức 15x của đỉnh hồi tháng 9/2023. Một điểm dữ liệu quan trọng khác về đặc tính của thị trường chứng khoán là dư nợ cho vay ký quỹ và mức tiền gửi nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng đã được hé lộ.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quy mô dư nợ cho vay ký quý tại cuối năm 2023 vẫn tương đối lành mạnh xét trên tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu và tốc độ tăng nhẹ so với quý trước, sau khi loại trừ một số trường hợp đột biến ở nhóm công ty chứng khoán như TCBS, VPBS, MBS, VCI.
VDSC cho rằng, điều quan trọng là xu hướng gia tăng đầu tư tại kênh thị trường chứng khoán tiếp tục được củng cố khi lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán tăng thêm 5 nghìn tỷ đồng so với quý trước, tăng 6% so với quý III/2023, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn đang duy trì ở vùng đáy và niềm tin đầu tư tại các kênh đầu tư lớn khác chưa thể sớm phục hồi.
Thị trường có thể sôi động hơn trong nửa cuối tháng
Sau số liệu kết quả kinh doanh quý IV/2023, mức tăng trưởng lợi nhuận là 7% so với cuối quý III/2023 đã củng cố thêm luận điểm rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã tạo đáy trong giai đoạn giữa năm 2023.
Thị trường sẽ tạm bước vào giai đoạn trống thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023. Cùng với hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, VDSC không kỳ vọng thị trường có biến động mạnh trong tháng 2/2024.
Tuy nhiên, luồng thông tin về mùa Đại hội đồng cổ đông với các kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2024 nhiều khả năng sẽ giúp thị trường sôi động hơn trong nửa cuối tháng 2/2024. Ở chiều ngược lại, rủi ro giảm sâu của thị trường là hạn chế, nhờ định giá các ngành vốn hóa lớn là tương đối rẻ; xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể tạm thời chấm dứt và lượng tiền gửi nhà đầu tư đang chờ để tham gia lại thị trường. Theo đó, vùng dao động kỳ vọng của VN-Index trong tháng là 1.160-1.200 điểm.
Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng hiệu quả của nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023 của nhà điều hành sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024. Theo VDSC, ở vùng P/E 13,6 lần, thị trường sẽ không có nhiều áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu đầu ngành và có khả năng phục hồi nhanh theo sau sự phục hồi của nền kinh tế.
Ngoài ra, cho quý I/2024, VDSC cho rằng, câu chuyện giá một số loại nông sản tiếp tục hạ nhiệt có thể là chủ đề có thể quan tâm. Xu hướng giảm tiếp diễn của giá sữa bột hay đậu nành có thể giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, VNM và QNS là hai ý tưởng đầu tư mà VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc.