Thị trường chứng khoán năm 2024: Tập trung phục hồi và tăng trưởng
Năm 2023 - năm của tích lũy đã qua, chính sách hỗ trợ đang dần thẩm thấu và thể hiện lên những con số, nhà đầu tư có thể lạc quan về một 2024 khởi sắc hơn.
Phản ánh trước số liệu kinh tế
Vai trò tạo đáy của năm 2023 đã hoàn thành. Đồng thời, một nền giá chắc chắn được tạo nên từ chính sách hỗ trợ bước đầu được ban hành cùng các số liệu kinh tế hồi phục tốt hơn sau mỗi quý. Nền kinh tế Việt Nam có thêm nhiều kỳ vọng về năm 2024 khởi sắc hơn, không loại trừ sự hiện diện của thị trường chứng khoán với vai trò “phong vũ biểu” – phản ánh trước nền kinh tế khoảng 6 tháng.
Một trong những động lực phục hồi chính của thị trường chứng khoán là lãi suất thấp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2024, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được duy trò để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ổn định ở mức 3,3% trong năm 2024.
Tín dụng trong nước khơi thông với tốc độ tăng trưởng mang tính thực chất và tốt hơn năm 2023. Nhờ đó, thị trường Bất động sản khó diễn biến tiêu cực hơn, mặc dù chưa thể sớm hồi phục ở các phân khúc mang tính đầu cơ cao.
Định giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn, với P/E hiện tại đạt 13,9x, thấp hơn 7,3% so với mức P/E trung bình 5 năm. Trong năm 2024, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp trên HOSE có thể tăng trưởng 18%, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, từ đó P/E sẽ còn hấp dẫn hơn nữa, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng GDP quay lại trên dưới 6% cao hơn mức 5% đạt được 2023, và dựa trên nền so sánh thấp của năm 2023, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 15-20% trong năm 2024.
Những “câu chuyện” chính của năm
Dự báo cho thị trường chứng khoán năm nay, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital cho rằng, “tăng trưởng” sẽ là 2 từ chính để nói về thị trường. Năm 2024 là bức tranh sáng hơn nhiều so với 2023. Xét về kênh đầu tư, mọi kênh đều kiếm được tiền. Bởi định giá thị trường đang ở mức thấp, trong khi dòng tiền trong nước giải ngân vào chứng khoán là “tiền thật”, không phải dòng tiền đi vay mượn đỡ giá.
“Không thể loại trừ rủi ro nhưng nếu chắc chắn lợi nhuận năm nay tăng 20% thì thị trường chứng khoán sẽ tăng 30%”, ông Lê Anh Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dòng tiền sẽ không dàn trải ở tất cả các cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ có sự lựa chọn nhất định ở những thời điểm khác nhau. Và câu chuyện – lý do để nhóm ngành tăng giá là xuyên suốt và không đổi trong một đoạn thời gian dài. Làm chủ được các “câu chuyện” trong năm sẽ giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong việc lên danh mục đầu tư, xác định được vùng thời gian thích hợp để giải ngân theo từng nhóm ngành.
Theo đó, những “câu chuyện” về thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu, giải ngân đầu tư công, Lô B Ô Môn, xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu hay nâng hạng thị trường chứng khoán… sẽ là những chủ đề được nhắc nhiều hơn cả trong năm nay.
Đối với thúc đẩy tiêu dùng dưới chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, các nhóm ngành Bán lẻ, Vận tải sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Câu chuyện Đầu tư công chưa từng hết nóng sẽ là điểm tựa để cho các cổ phiếu nhóm ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng, Tài nguyên cơ bản tăng trưởng tốt.
Lô B Ô Môn đang dần hiện thực hóa với tổng mức đầu tư cho phần thượng nguồn khoảng 8 tỷ USD, là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn và trung nguồn của ngành dầu khí Việt Nam trong trung hạn tới.
Những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2025 của Chính phủ là kỳ vọng lớn cho cổ phiếu ngành Chứng khoán, Ngân hàng và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30).
Trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn, các công ty trên toàn cầu đang có xu hướng theo đuổi kế hoạch sản xuất “Trung Quốc + 1”… Trọng tâm của câu chuyện này là các lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ.
Việt Nam cũng là nước có tiềm năng thu hút FDI khi ngày càng hoàn thiện về các chính sách hỗ trợ cũng như tăng cường mối quan hệ với các cường quốc công nghiệp trên thế giới. Theo đó, nhóm ngành kỳ vọng sẽ gồm Bất động sản Khu công nghiệp, Công nghệ thông tin, Hóa chất…